Di sản văn hoá, dù hữu hình hay vô hình, đều dung chứa những hồi ức sống động của loài người, là minh chứng cho sự phát triển, hưng thịnh hay thậm chí là vết dấu để đời sau truy nguyên những nền văn hoá, văn minh từng chịu số phận suy tàn sau thời vang bóng. Vậy nên, thái độ thiện đãi, trân quý và gìn giữ những giá trị văn hoá, đặc biệt là văn hoá tinh thần trở thành một yêu cầu tất yếu. Nếu không như thế, phần “hồn cốt” kia sẽ phai nhạt và tiêu biến dần trong tiềm thức của lớp lớp người trẻ lớn lên.
Là mảnh đất văn hoá, bao đời lưu giữ hào khí đế vương, Huế cũng là nơi sản sinh ra những giá trị văn hoá đặc hữu. Một trong số đó chính là nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế - loại hình nghệ thuật gắn liền với các triều đại quân chủ Việt Nam. Tuy nhiên, khi triều đình nhà Nguyễn đi đến hồi cáo chung, những giá trị văn hoá phi vật thể - từng một thời là biểu tượng cho vương quyền và sự hưng thịnh của triều đại - cũng theo đó thất truyền, mai một.
Trong bối cảnh đó, cuộc họp Hội đồng lần thứ 32 của UNESCO diễn ra vào tháng 10 năm 2003 đã thông qua Công ước Bảo vệ và Phát huy Di sản văn hoá phi vật thể, định hướng tiếp cận toàn diện hơn đối với loại hình di sản này. Ngày 7 tháng 11 năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam - đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (năm 2008 gọi là Di sản phi vật thể - Đại diện nhân loại). Sự kiện này, một mặt, đánh dấu sự ghi nhận và vinh danh của thế giới đối với một di sản văn hoá của Việt Nam, mặt khác cũng là sự thức tỉnh chúng ta về nhiệm vụ gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá ấy để chúng không chỉ tồn tại trong hình hài của di sản quá khứ mà còn là báu vật của chúng ta hôm nay và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này.
Kể từ thời điểm trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế - đơn vị chuyên trách nghiên cứu, bảo tồn loại hình văn hoá phi vật thể của Trung tâm - đã không ngừng nỗ lực để đưa những giá trị của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế trở về với diện mạo và thành tựu vốn có của nó. Đóng góp đáng chú ý về mặt nghiên cứu của Nhà hát chính là hàng loạt các hồ sơ về nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, cụ thể là hồ sơ về các bài bản Nhã nhạc, hồ sơ về các vũ khúc cung đình Huế và hồ sơ về nghệ thuật tuồng Huế. Không chỉ tập trung vào những nghiên cứu chuyên sâu, với mục tiêu nâng cao hiểu biết, mở rộng khả năng truy cập, tìm hiểu thông tin của người dân về các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, Nhà hát đã thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về các bài bản Nhã nhạc cung đình Huế vào năm 2014 và gần đây (năm 2022) là hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tuồng Huế. Bên cạnh đó, Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa hát cung đình cũng đồng thời được đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) và Nhà hát Minh Khiêm Đường (lăng vua Tự Đức) nhằm mục đích giới thiệu, lan toả rộng rãi những giá trị di sản này đến với công chúng.
Ấn phẩm “Diễn xướng Cung đình Huế - Bảo tồn & phát huy” là công trình mang tính chất dấu ấn cho mốc 20 năm Nhã nhạc được UNESCO vinh danh, đồng thời cũng là bức tranh toàn cảnh về Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế - một đơn vị nghệ thuật đặc thù có nhiệm vụ vừa từng bước bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, vừa quảng bá loại hình này đến với quảng đại quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Phần thứ nhất của ấn phẩm là những lược thuật về nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế cũng như khái quát lịch sử 20 năm hình thành và phát triển của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Phần thứ hai là sự tổng kết những thành quả nghiên cứu khoa học tiêu biểu (các hồ sơ khoa học) từ năm 2006 đến nay nhằm mục tiêu thu thập thông tin, phục dựng và bảo tồn các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình là Nhã nhạc, Tuồng và Vũ khúc cung đình. Phần cuối của ấn phẩm là những bài viết nhằm tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ đã góp công gìn giữ các di sản văn hoá phi vật thể này.
Những người biên tập hi vọng công trình này sẽ là sự bổ khuyết cho bức tranh nghiên cứu về nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, đồng thời, chuyển tải được niềm tự hào, ý thức trách nhiệm và cả khát vọng gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu. Chúng tôi tin tưởng rằng nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế sẽ tiến những bước mới chính trong không gian sinh thái của thời đại hôm nay, để tiếp tục được sáng tạo, được nhuận sắc, từ đó tồn tại và phát triển như một “thực thể sống” trong đời sống của cộng đồng.
Xin trân trọng giới thiệu ấn phẩm “Diễn xướng Cung đình Huế - Bảo tồn & phát huy” đến với đông đảo độc giả quan tâm!