9/4/2018 8:01:11 AM
view font
Đọc bài viết:
43 NĂM PHỤC HƯNG DI SẢN VĂN HÓA CỐ ĐÔ HUẾ - TỪ CỨU NGUY KHẨN CẤP ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Nhân kỷ niệm 25 năm Huế được công nhận di sản thế giới đầu tiên (1993-2018), bài viết này xin khái quát lại quá trình phục hưng các giá trị di sản văn hóa của cố đô, những thành tựu và kết quả đạt được cùng một số bài học kinh nghiệm mà chúng tôi sơ bộ tổng kết.

Năm 1945, cuộc cách mạng Tháng Tám thành công đã chấm dứt hơn 1000 năm tồn tại của chế độ quân chủ ở Việt Nam, đó cũng là thời điểm đánh dấu sự thay đổi vai trò lịch sử của Huế: từ kinh đô trở thành cố đô. Suốt 30 năm sau đó, trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cố đô Huế, nơi tập trung với mật độ rất cao những di sản văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc đã bị tàn phá nặng nề. Năm 1975, Huế cùng toàn bộ miền Nam được giải phóng, bên cạnh nhiệm vụ phục hồi và xây dựng nền kinh tế mới, xã hội mới sau chiến tranh, thì việc bảo tồn và phục hưng những di sản văn hóa quý giá cũng là nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề. 43 năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã đạt được những thành tựu to lớn. Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam có hai di sản thế giới được UNESCO công nhận, và đến nay vẫn là địa phương sở hữu nhiều di sản mang tầm quốc tế nhất[1]. Di sản văn hóa không chỉ là phương tiện đưa Huế hội nhập sớm với thế giới mà đã thực sự trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội. Huế đã trở thành Thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, là một trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước tại khu vực miền Trung...

Nhân kỷ niệm 25 năm Huế được công nhận di sản thế giới đầu tiên (1993-2018), bài viết này xin khái quát lại quá trình phục hưng các giá trị di sản văn hóa của cố đô, những thành tựu và kết quả đạt được cùng một số bài học kinh nghiệm mà chúng tôi sơ bộ tổng kết.

***

Trong các kinh đô cổ của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm. Di sản văn hoá Huế là những kiệt tác nghệ thuật của nhân dân lao động trải qua bao thế hệ và đỉnh cao, của những tài năng của những người thợ thủ công khéo tay nhất nước thời bấy giờ.

Thành phố Huế là sự mẫu mực kết hợp hài hoà giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, là điển hình của loại hình kiến trúc cảnh vật hoá- một loại hình kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc và giàu tính nhân văn. Đặc điểm này đặt ra một yêu cầu rất nghiêm ngặt là vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

Sức hấp dẫn lớn của Huế là trải qua bao biến thiên lịch sử Huế vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô, bảo tồn được “Một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, tuyệt mỹ, phong phú, đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hoà quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên, có giá trị đặc biệt về lịch sử và về văn hoá nghệ thuật. Đó chính là nhân tố chủ yếu cấu thành đặc thù của Huế, là nền tảng để Huế trở thành trung tâm văn hoá du lịch của cả nước. Đó hiển nhiên là một điểm mạnh về văn hoá và đang trở thành một thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở khai thác và phát huy giá trị của hệ thống di tích một cách hợp lý.

Bên cạnh kho tàng di sản văn hoá vật chất đồ sộ có giá trị và tầm vóc Quốc tế. Huế còn là một tụ điểm về di sản văn hoá tinh thần phong phú, một vùng văn hoá Phú Xuân đặc sắc “Huế đẹp và thơ” nổi tiếng. Di sản văn hoá tinh thần ở Huế bao gồm văn hoá dân gian và văn hoá cung đình. Văn hoá cung đình Huế với cội nguồn từ triều Lý, trải qua các triều đại Trần, Lê rồi lan toả hội tụ và kết hợp với truyền thống văn hoá vùng đất miền Trung và phía Nam của Tổ quốc đã được manh nha từ thời các chúa Nguyễn và phát triển đến đỉnh cao và hoàn chỉnh dưới thời các vua Nguyễn, để ngày nay đã tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể và truyền khẩu được cả nhân loại thừa nhận.

Trong kho tàng di sản văn hoá tinh thần còn có sinh hoạt cung đình, lễ hội cung đình (Tế Giao, Tế Xã Tắc, Tế Miếu, Thiết triều, Đăng quang, Truyền lô, Tịch điền, ...) và các ngành nghề truyền thống đã được hình thành và phát triển trong quá trình xây dựng kinh đô và hiện nay cần phải được bảo tồn, phát triển để phục vụ cho công cuộc tu bổ, trùng tu, tôn tạo di tích, đó là các nghề mộc, nề, ngoã, pháp lam, sơn thếp, thêu ren, khảm chạm,... Có thể nói, Huế là nơi hội tụ và lan toả ra cả nước những thợ lành nghề và đông đảo đội ngũ nghệ nhân có “bàn tay vàng” đã tạo nên những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao trên địa bàn Thừa Thiên Huế và trên phạm vi cả nước.

Trong quá khứ vàng son, Huế đã tạo cho mình một nền văn hoá  phong phú và đặc sắc vừa kế thừa truyền thống văn hoá Thăng Long vừa tiếp thu những yếu tố mới của Miền Trung, miền Nam và bên ngoài để tạo nên một sắc thái riêng biệt của một vùng văn hóa - Văn hóa Huế.

****

Tuy nhiên, sau 30 năm chiến tranh, kho tàng di sản đồ sộ ấy đã bị hủy hoại rất nặng nề!

Đối với Quần thể di tích kiến trúc cố đô, các trận chiến ác liệt năm 1947, mùa Xuân năm 68… đã phá hủy hàng loạt công trình thuộc Kinh thành; điện Cần Chánh và hàng loạt cung điện trong Tử Cấm thành bị thiêu rụi; Trấn Bình Đài bị quân Pháp và sau đó là quân đội Sài Gòn biến thành khu vực quân sự mà hậu quả vẫn còn đến bây giờ; khu vực Văn- Võ Miếu cũng chịu chung số phận như Trấn Bình Đài; đàn Nam Giao bị chặt trụi thông, các công trình như nhà Quan Cư, Binh Xá, Ế Sở, Thần Trù, Thần Khố, vòng tường thành ngoài cùng... đã bị triệt phá; những khu vực lăng tẩm, hoặc nằm trong khu vực tranh chấp, hoặc là rơi vào khu vực thiếu an ninh nên bị huỷ hoại hoặc lãng quên trong bom đạn. Thêm vào đó, các thiên tai tàn khốc, như trận lũ năm 1953, trận bão năm 1985, trận lụt lịch sử năm 1999...đã tiếp tục tấn công và huỷ diệt các di tích[1]

Sau chiến tranh, toàn bộ khu vực Tử Cấm thành gần như bị xoá sổ. Khu vực Hoàng thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc lúc nguyên thuỷ (số liệu do Nguyễn Bá Lăng thống kê trong bài Danh sách cung điện trong Đại Nội Huế). Khu vực Kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng. Lăng Gia Long còn 10/15 công trình, lăng Minh Mạng còn 28/35 công trình, lăng Thiệu Trị còn 16/25 công trình, lăng Tự Đức còn 16/20 công trình, lăng Khải Định còn 16/20 công trình, khu vực Văn Miếu còn 11/15 công trình... Toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ bao gồm: thành quách, cung điện, đền miếu, lầu gác, lăng mộ, cầu cống, đình tạ... hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, hoặc bị dột nát, nứt vỡ bờ nóc, bờ quyết, các cấu kiện chịu lực mục ruỗng, nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp vào bất kỳ lúc nào. Hàng chục héc-ta tường thành bị cây cỏ xâm thực, hàng 100.000 m2 ao hồ cần được nạo vét, 33 cầu cống và 20km đường đi trong các di tích bị hư hại nặng cần phải tu sửa cấp thiết…

Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán hầu hết. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt; các hình thức diễn xướng cung đình như Nhã nhạc, Tuồng cung đình, Múa cung đình… tản mát và biến tướng trong dân gian; hệ thống ngành nghề thủ công truyền thống phong phú vốn phục vụ chính cho chốn cung đình cũng thất tán, mai một; hệ thống sách vở, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc bị di chuyển đi phần lớn.

***

Sau chiến tranh, dù lịch sử đất nước đã sang trang, nhưng do rất nhiều khó khăn đồng thời do những định kiến về triều Nguyễn nên cách đối xử với các di sản của cố đô Huế vẫn chưa phù hợp. Sự thiếu quan tâm hay do cách sử dụng các di tích một cách tùy tiện đã tiếp tục làm mất mát, biến dạng một số di tích quan trọng ngay trong Hoàng cung, đàn Nam Giao, Văn- Võ Miếu...Tình trạng các di sản phi vật thể cũng không khả quan hơn. 

Ngày 25.11.1981, sau chuyến thăm Huế, Tổng giám đốc UNESCO lúc bấy giờ, Ngài Amadou Mahtar M’Bow, đã ra lời kêu gọi cứu vãn Huế tại Hà Nội, nhằm phát động trên phạm vi quốc tế một cuộc vận động bảo tồn và khôi phục các giá trị của di sản văn hoá Huế. Từ thời điểm này trở đi, việc bảo quản, trùng tu tôn tạo các di tích Huế bắt đầu được vận hành đúng với quỹ đạo của nó. Có hai tác nhân có tác động quan trọng đối với tiến trình phục hưng của Quần thể di tích Huế. Đó là UNESCO và chính phủ Việt Nam, bao gồm cả chính quyền sở tại thông qua bộ máy quản lý và điều hành trực tiếp là Công ty Quản lý Di tích Lịch sử Văn hoá Huế (tức Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sau này).

Cuộc vận động quốc tế do UNESCO phát động tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng với những khoản viện trợ đa dạng dành cho di tích Huế trong các năm 1981-1990, cùng với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, đã là những thang thuốc cấp thời góp phần vào việc chạy chữa bước đầu, tránh cho di tích Huế thoát khỏi hiểm hoạ bị sụp đổ. Tại Huế, sự ra đời của Công ty Quản lý Di tích và Danh thắng Huế (từ tháng 5/1992, đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) để quản lý, bảo tồn và khai thác toàn diện Quần thể Di tích Cố đô Huế và các di sản phi vật thể liên quan là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, đánh dấu sự thay đổi nhận thức hoàn toàn về các giá trị của di sản văn hóa Huế. Tháng 11.1982, Nhóm công tác Huế - UNESCO (Hue - UNESCO Working group) được thành lập, trực tiếp theo dõi chỉ đạo công cuộc bảo tồn và trùng tu Quần thể Di tích Huế. Nhóm công tác này đã tiến hành 9 kỳ họp để triển khai các hoạt động khôi phục và phát huy giá trị của Quần thể Di tích Huế. Vào hạ tuần tháng 1.1985, cuộc họp lần thứ 6 của các nước xã hội chủ nghĩa về việc bảo tồn và trùng tu những di tích lịch sử văn hoá hiện tồn ở Huế với sự tham gia của ông Piere Pichard, chuyên viên của UNESCO, để tái kiểm tra kế hoạch hành động, chuẩn bị cho việc gửi những ấn phẩm và ảnh triển lãm về di tích Huế đến UNESCO vào tháng 7.1986, tháng 11.1987, Việt Nam công nhận Công ước về di sản thế giới đã khiến cho những hoạt động hướng về di tích Huế được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Ngày 27.7.1991, đạo luật về việc Bảo vệ và sắp xếp những di tích ở Huế của UNESCO được công bố, mở ra cho Huế một tương lại khả quan hơn. Với những nỗ lực to lớn của Trung tâm, thông qua sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chuyên gia UNESCO trong hai năm 1992-1993, bộ hồ sơ về Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được hoàn tất và đệ trình lên Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO. Kết quả là ngày 11.12.1993, trong một phiên họp tại Carthagène (Colombia), Hội đồng Di sản Thế giới đã ghi danh Quần thể Di tích Cố đô Huế vào Danh mục Di sản Văn hoá Thế giới. Ngày 2.8.1994, ngài Daniel Janicot, Phó tổng giám đốc UNESCO đã đến Huế, trực tiếp trao cho đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tấm bằng công nhận có chữ ký của Tổng giám đốc UNESCO, ngài Fédérico Mayor Zaragoza với dòng chữ: “Ghi tên vào danh mục này là công nhận giá trị toàn cầu đặc biệt của một tài sản văn hoá hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại”. Cuộc phục hưng di tích Huế bước sang một trang mới.

Lễ đón nhận bằng công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới (1994)

Về phía Việt Nam, để có được một bước ngoặt trọng đại trong tiến trình khôi phục Quần thể Di tích Cố đô Huế, giới thiệu quần thể di tích này với quốc tế là kết quả của những nỗ lực to lớn của chính phủ Việt Nam, của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và của Trung tâm. Ngày 12.12.1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 105/TTg chính thức phê duyệt Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996 - 2010, trong đó xác định những định hướng và yêu cầu cơ bản, đồng thời xác định những mục tiêu và biện pháp chủ yếu cho việc thực thi những nội dung đã nêu trong quy hoạch. Mục tiêu cơ bản và dài hạn của Dự án thể hiện trên cả hai phương diện: Bảo tồn di sản văn hoá Cố đô Huế; và, phát huy mọi giá trị quý giá của Di sản  văn hoá Cố đô Huế bao gồm giá trị di sản văn hoá vật chất, giá trị di sản văn hoá tinh thần và giá trị di sản văn hoá môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

Có thể nói, Quyết định 105/TTg là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để Cố đô Huế triển khai thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong suốt 15 năm đầu tiên sau khi Huế được công nhận là Di sản thế giới, và cũng là cơ sở để Chính phủ ban hành Quyết định số 818/QĐ-TTg phê duyệt dự án Điều chỉnh quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả to lớn. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

 

Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

-Về công tác bảo tồn, trùng tu di tích:

Đây là một trong những hoạt động cơ bản nhất của công tác bảo tồn di sản Huế trong những năm qua, cũng là lĩnh vực được đầu tư lớn nhất về kinh phí và chất xám[2]. Những thành tựu chính trên lĩnh vực này là:

+ Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.

+ Đã có khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, trong đó tiêu biểu là: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, Đông-Tây Khuyết Đài, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính), tổng thể lăng Gia Long, Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi đình, Hiển Đức Môn (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, Bửu thành (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải định), Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, 10 cổng Kinh Thành và Quan Tượng Đài, sông Ngự Hà... Hiện nay, lăng Gia Long, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức cũng đang được triển khai trùng tu nhiều hạng mục sau khi các dự án trùng tu được phê duyệt.

Ngọ Môn bị sụp đổ trong chiến tranh và Ngọ Môn ngày nay

+ Cơ sở hạ tầng các khu di tích như: Hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn- Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh... đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, vườn Cơ Hạ, vườn Thiệu Phương, cung An Định, hệ thống phòng chống hỏa, chống sét, hệ thống nhà vệ sinh trong di tích đã cơ bản được tu bổ hoàn nguyên hoặc xây dựng hoàn thiện.

Điều quan trọng là, các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã công nhận và tham gia, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Cũng chính qua thực tiễn của công cuộc bảo tồn tôn tạo di tích Huế mà đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên của Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu và phong phú, đặc biệt đã nắm vững cả 2 mặt cốt yếu của phương pháp trùng tu khoa học: Đó là phương pháp luận khoa học kỹ năng thực hiện, vì vậy các hoạt động trùng tu đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội: góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống[3]

- Về công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể 

Các di sản văn hóa phi vật thể của Huế hết sức phong phú và đa dạng. Tại Đề án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên chủ yếu được xác định trong phạm vi văn hóa cung đình thời Nguyễn, gồm: Thơ văn trên trên kiến trúc cung đình, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, lễ nhạc Cung đình, múa hát Cung đình, lễ hội Cung đình, tuồng Ngự, ca Huế ...

Lễ Tế Giao năm 2018

+ Tính từ năm 1996 đến nay, trên lĩnh vực này, Trung tâm đã tổ chức hàng chục công trình nghiên cứu khoa học, tổ chức biên soạn và xuất bản, tổ chức đào tạo nhân lực... Các kết quả chủ yếu bao gồm:

+ Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các tài sản văn hóa phi vật thể;

+ Tổ chức nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản nhiều công trình về Di sản văn hóa Huế và công cuộc bảo tồn, trong đó có những công trình đoạt giải thưởng cao của trung ương và địa phương;

+ Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn được nhiều tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng như 10 nhạc khúc trong lễ Tế Giao, 9 nhạc khúc trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan dương, Vạn thọ và Tết Nguyên đán, 37 nhạc khúc diễn tấu với dàn Tiểu nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu trong các đợt vua ngự, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc… Sưu tầm nghiên cứu và dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu; Nghiên cứu dàn dựng 2 vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật…

Chính nhờ những nỗ lực trên mà tháng 11 năm 2003, UNESCO đã chính Chính nhờ những nỗ lực trên mà tháng 11 năm 2003, UNESCO đã chính thức công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (Năm 2008 đổi tên là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện nhân loại). Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm vóc và sự phong phú, toàn diện của di sản văn hóa Huế trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn nghiên cứu phục hồi thành công một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ Truyền lô- Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh Tiến sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình, Văn hiến Kinh kỳ...

Đặc biệt là trong các dịp lễ hội Festival Huế, các loại hình nghệ thuật Cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi… đã thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của Thừa Thiên Huế, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.

-Về công tác bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản

Nằm trong lòng của “một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”, phần lớn các di tích của Huế đều là những kiến trúc nghệ thuật được bố trí hài hòa với thiên nhiên trong những không gian rất rộng lớn. Cũng chính vì thế mà việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di tích gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, số lượng dân cư sống trong các khu vực bảo vệ di tích rất lớn, chiếm xấp xỉ 1/2 dân số thành phố Huế. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến bảo vệ di tích đều có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân và nhu cầu phát triển[4].

Trong những năm qua, phần lớn các di tích chính đã được đầu tư tu bổ và tôn tạo hệ thống sân vườn, cảnh quan và trồng cây bổ sung ở các khu vực đệm. Nổi bật như việc trồng lại vành đai xanh lăng vua Minh Mạng, tôn tạo phục hồi cảnh quan vườn Cơ Hạ, nghiên cứu phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương…Trung tâm đã thành lập phòng Cảnh quan Môi trường với hơn 80 cán bộ, kỹ sư, nghệ nhân chuyên làm công tác vệ sinh môi trường, gây dựng và trồng mới cây xanh, hoa kiểng, nghiên cứu tôn tạo môi trường cảnh quan. Chính công việc đó đã làm thu hẹp không gian hoang phế, từng bước trả lại các giá trị cảnh quan vốn có của Cố đô, mang lại sinh khí cho di tích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giao lưu và hợp tác văn hóa trong nước và quốc tế.

Không gian vườn Cơ Hạ trong dịp Festival Huế 2018. Ảnh: Thanh Toàn

Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trục đường Thành phố Huế đã được quan tâm, nhất là các trục đường trong Kinh thành, đường đến một số điểm di tích. Đặc biệt là việc chỉnh trang, tôn tạo 2 bên bờ sông Hương, nạo vét sông Ngự Hà và tu bổ kè Hộ Thành Hào đã tạo điều kiện để phát triển dân sinh và chỉnh trang đô thị. Việc giải tỏa gần 300 hộ dân ở khu vực Bến Me và Hộ Thành Hào, gần 50 hộ dân ở Thượng thành mặt Nam, hàng chục hộ dân ở đàn Xã Tắc, Võ Miếu, gần 100 hộ dân dọc theo Ngự Hà…với kinh phí hàng chục tỉ đồng phần nào trả lại cảnh quan cho mặt Nam Kinh thành Huế.

- Về lĩnh vực hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực

Đây cũng là mt trong nhng lĩnh vc hot động đã đạt được nhiu thành tu quan trng. Trong những năm qua, thông qua bảo tồn di sản, Cố đô Huế đã hợp tác với gần 30 tổ chức quốc tế, hàng chục các viện, trường đại học, ban ngành trong nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường.

Với lợi thế là cố đô lịch sử, nơi đang gìn giữ các di sản thế giới của Việt Nam, Huế đã đón tiếp hàng loạt các nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc, điển hình như Tổng thống Ba Lan, Thái tử Na Uy, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Hoa Giang Trạch Dân, Thái tử Nhật Bản Naruhito, Quốc vương Campuchia… và mới đây nhất là Nhật hoàng và hoàng hậu, qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Với các tổ chức quốc tế, Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản (Quỹ Toyota, Quỹ Japan Foundation, Trường đại học Nữ Sowa, Đại học Nihon, Đại học Waseda ...), Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan. Hoa Kỳ… thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa. Nổi bật trong đó là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (phối hợp với Đại học Waseda) đã thực hiện được hơn 20 năm qua (1994-2016), dự án hợp tác với nhóm chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức để phục hồi tranh tường cung An Định, khu vực lăng mộ vua Tự Đức, công trình Tả Vu điện Cần Chánh, cổng và bình phong điện Phụng Tiên; dự án hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và UNESCO để thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy Nhã nhạc cung đình Huế (2005-2008)…

Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito viếng thăm chính thức Cố đô Huế năm 2009

Huế cũng đã có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều đơn vị, bộ ngành trong nước để thực hiện các dự án quy hoạch, bảo tồn và đào tạo nhân lực; tiêu biểu như Đại học Huế, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Viện Bảo tồn Di tích, Công ty Tu bổ Di tích Trung ương, Viện Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học…

Chính qua các dự án hợp tác nói trên, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ của Di tích Huế đã được đào tạo, trau dồi kiến thức thường xuyên và không ngừng trưởng thành. Từ năm 1996 đến nay, Di tích Huế đã đào tạo được 01 Tiến sĩ và 5 Thạc sĩ ở nước ngoài, 6 Tiến sĩ và hơn 30 Thạc sĩ trong nước, 20 Cử nhân Đại học Nhã nhạc cùng hàng chục Cử nhân, nghệ nhân, nghệ sỹ ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cũng đã có 1 Nghệ sỹ Nhân Dân, 09 Nghệ sỹ Ưu Tú được công nhận. Trung tâm cũng đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghiệp vụ hoặc cử chuyên viên tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ về bảo tồn trùng tu di sản, nghiên cứu văn hóa phi vật thể, bảo tàng học... Đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ đó đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động bảo tồn di sản trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn chủ chốt của các ban ngành.

Khai thác và phát huy giá trị các di sản

Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích. Đặc biệt là đầu tư tu bổ để phát triển ngành công nghiệp du lịch và các loại dịch vụ, tạo cơ sở để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Việc khai thác hợp lý làm cho di tích thoát khỏi sự lãng quên mà Luật Di sản Văn hóa đã chỉ rõ là hướng đến xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Phát triển du lịch là xu thế tất yếu của xứ sở giàu di sản văn hóa này.

Đây cũng là lĩnh vc thhin kết qutrc tiếp ca công tác bo tn di sn. Nhnhng thành tu ca công tác bo tn mà Di sn văn hóa Huế đã được qung bá hìnhnh rng rãi trên toàn thế gii, to nên sc hút to ln ca Huế đối vi du khách thp phương và góp phn làm cho ngành du lch dch vca Tha Thiên Huế trong đã có nhng bước phát trin nhanh chóng, thc sự đã trthành ngành kinh tế mũi nhn ca tnh. Riêng ti khu di tích Huế, doanh thu trc tiếp tnăm 1996 đến năm 2017 đã đạt hơn 1.800 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn.

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của việc phát triển hoạt động dịch vụ ngay trong địa bàn khu di sản Huế, Trung tâm đã xây dựng một đề án tổng thể về quy hoạch và phát triển hoạt động dịch vụ đến năm 2020, ngày 5/12/2012, Chủ tịch UBND tỉnh TTH đã ra quyết định phê duyệt đề án này. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, đưa doanh thu của hoạt động này chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu doanh thu của đơn vị.

Xác định rõ di sản văn hóa là thế mạnh của vùng đất, việc bảo tồn di sản văn hóa cố đô Huế phải làm nền tảng cho kinh tế du lịch dịch vụ phát triển nên từ khi triển khai dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, 1996-2010, Trung tâm đã luôn luôn chú ý tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch và các hoạt động dịch vụ liên quan các cơ hội để phát triển; chủ động tham gia các diễn đàn quảng bá cho ngành du lịch, ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành đưa khách đến cố đô Huế, liên kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội khách sạn của tỉnh, chủ động tổ chức các hoạt động kích cầu để thu hút du khách. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức hoạt động quảng bá và kích cầu du lịch, nhằm thu hút ngày càng tăng số lượng du khách đến thăm cố đô Huế, thăm các di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đã tạo điều kiện cho công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống. Các nghề đúc đồng, sơn thếp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm diều Huế, may áo dài, thêu, chằm nón lá, làm kẹo mè xững, tôm chua, nghệ thuật ẩm thực, ca Huế… đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu của ngành du lịch. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ luôn tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Từ năm 2012-2017, tổng doanh thu ngành du lịch dịch vụ của tỉnh đã đạt mức 2500- 3700 tỷ đồng/năm, đạt tỷ trọng từ 48% -55% GDP của toàn tỉnh.

Chương trình Văn hiến Kinh kỳ tại Festival Huế 2018

Di sản văn hóa cũng trở thành hạt nhân cho các hoạt động và sự kiện văn hóa của vùng đất cố đô. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế được tổ chức vào các năm chẵn, cùng với Festival Nghề truyền thống tổ chức vào các năm lẻ đã tạo nên một thương hiệu đặc biệt, có tiếng vang và sức thu hút to lớn không chỉ trong nước mà còn trên bình diện quốc tế.

Từ những thành tựu về bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những sự điều chỉnh kịp thời trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ cơ cấu Công nghiệp - Nông nghiệp - Dịch vụ chuyển thành Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp, trong đó xác định phát triển các ngành dịch vụ có tính quyết định hàng đầu. Di sản văn hóa giai đoạn này hơn bao giờ hết đã trở thành hạt nhân và động lực cho sự phát triển.

Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

***

43 thực hiện công cuộc bảo tồn và phục hưng di sản văn hóa Huế đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá. Đó là bài học về sự nhận thức vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại, về sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành từ trung ương đến cơ sở, là bài học về việc phát huy nội lực vốn có, về việc huy động rộng rãi sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế với vai trò nổi bật của UNESCO, về việc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của nhà nước và cộng đồng các tầng lớp xã hội…  

43 năm qua, đặc biệt là 25 năm kể từ khi trở thành Di sản thế giới cũng là thời gian đánh dấu những bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn cả về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, cũng là quá trình bồi đắp thêm nhiệt huyết tình yêu đối với di sản văn hóa. Đến nay, Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Bước vào thời kỳ mới, dù gặp nhiều khó khăn bởi tình hình nền kinh tế chung của thế giới và đất nước dẫn đến sự hạn chế về đầu tư, những khó khăn về cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ, mâu thuẩn giữa bảo tồn và phát triển, sự cạnh tranh của các khu di sản thế giới ngày càng nhiều…nhưng sự nghiệp bảo tồn di sản Huế đang gặp rất nhiều thuận lợi. Đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước thể hiện qua Kết luận 48 (ngày 25/5/2009) và kết luận 175 của Bộ Chính trị (ngày 01/82014), Quyết định 818/QĐ-TTg và Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ xác định đường lối chiến lược để bảo tồn và phát huy di sản cố đô Huế mà còn gắn liền với những chính sách hỗ trợ cụ thể. Đó cũng là sự quan tâm sát sao của Đảng bộ, Chính quyền và cộng đồng các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Đó còn là sự quan tâm, ủng hộ ngày càng sâu rộng, hiệu quả của cộng đồng quốc tế đối với di sản văn hóa Huế.

43 năm qua thực sự là chặng đường khó khăn gian khổ với rất nhiều thử thách, nhưng cũng là chặng đường gắn liền với những thành tựu to lớn của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế. Trong chặng đường trước mắt và tương lai lâu dài, di sản văn hóa chắc chắn vẫn sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của cố đô Huế./.

P.T.H


[1] Xem thêm: Trần Đức Anh Sơn- Phan Thanh Hải, “Quần thể di tích cố đô Huế: Hai thế kỷ nhìn lại” đăng trong Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn. Sở KHCN&MT Thừa Thiên Huế- Trung tâm BTDTCĐ Huế xuất bản, Huế, 2002, tr 131-141.

[2]  Tổng kinh phí tu bổ trong 15 năm (1996-2010) trên lĩnh vực trùng tu và tôn tạo di tích Cố đô Huế là:  586.312.000.000 đồng (đạt 81,4% kế hoạch dự kiến), trong đó:

+ Ngân sách Trung ương               :                 250,460 tỉ đồng

+ Ngân sách địa phương                :                 245,497 tỉ đồng

+ Tài trợ Quốc tế                             :                   90,355 tỉ đồng

Trong các năm 2010-2018, ngân sách tu bổ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó

+ Ngân sách Nhà nước                  :              1.175,473 tỷ đồng
+ Ngân sách tài trợ và xã hội hóa :                   44,328 tỷ đồng

[3] Có không ít công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, xã hội như: Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường (nơi biểu diễn múa, hát, tuồng và các nhạc khúc Cung đình phục vụ du khách), Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ  Đài. Các công trình hạ tầng Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn- Kỳ Đài, điện chiếu sáng Đại Nội, cung An Định và các lăng đã phục vụ tốt các lễ hội Festival và các hoạt động văn hóa xã hội khác.

[4] Xem thêm Phan Thanh Hải: “Cư dân trong vùng di tích-Lịch sử, hiện trạng và những ảnh hưởng đối với cơ cấu dân cư và chính sách phát triển của Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 3/2008. 

 

TS. Phan Thanh Hải