TRÀ CUNG ĐÌNH: Trà Thảo mộc dưỡng sinh là dạng Phương trà bao gồm một hay nhiều loại thảo dược bào chế và sử dụng giống như trà uống hàng ngày.
Dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide) là ứng dụng công nghệ điện tử hỗ trợ tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm.
Những hình ảnh của kinh thành thời Nguyễn được hiện ra đầy đủ, rõ nét sinh động cùng với những hoạt động, nghi thức hàng ngày trong hoàng cung hàng trăm năm trước.
Bên trong Hoàng cung Huế có tổ chức chụp ảnh lưu niệm cho du khách tham quan dưới trang phục thái thượng hoàng, vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và cung phi.
Để tạo điều kiện cho du khách có cơ hội tham quan khu vực xung quanh Đại Nội và tất cả các điểm du lịch bên trong Đại Nội mà không mất nhiều thời gian.
Du khách có thể liên hệ trực tiếp để đăng ký chương trình tham quan có hướng dẫn đi cùng, du khách có thể liên hệ hướng dẫn ngay tại các điểm di tích.
Tham dự Hội thảo có ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tham dự ở điểm cầu trực tuyến; Đại điện lãnh đạo các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các trường đại học, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp đóng trên trên địa bàn và hơn 40 đại biểu là các chủ vườn Mai vàng Huế, các nghệ nhân, những người yêu thích Mai vàng Huế.
Mai vàng Huế hay còn gọi là Hoàng mai Huế - là loại sinh vật cảnh quý của Việt Nam - có vẻ đẹp đặc trưng mà ít loài hoa nào có được, là một loại cây thể hiện cốt cách, con người, đã đi vào lịch sử, thơ ca, hội họa. Đặc trưng nhận biết của Mai vàng Huế được xác định đó là: Mai vàng Huế có lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi); hoa cuống ngắn; 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau, có mùi thơm dịu nhẹ. Cây Mai vàng Huế đã trở thành “sứ giả” - tượng trưng cho mùa xuân xứ Huế và vùng đất phương Nam. Hình tượng Hoa mai kết hợp với kiến trúc tạo nên một khí chất sinh động qua các nhân tố tạo hình. Từ trang trí chạm khắc ở kiến trúc cung đình đến các phù điêu tư gia khiến Hoa mai mang một nét đẹp sâu sắc. Mai vàng Huế không chỉ ghi dấu ấn trong văn hóa lễ hội hoa xuân mỗi độ Tết đến xuân về, mà còn được khẳng định thương hiệu bởi những giá trị nghệ thuật Bonsai với những bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã làm cho Mai vàng Huế nâng cao giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế lớn cho những người trồng mai.
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” với mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam, hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá phong trào “Mai vàng trước ngõ” và Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” một cách thường xuyên, liên tục tại các cơ quan, công sở, địa phương trên địa bàn tỉnh; đưa phong trào “Mai vàng trước ngõ” trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu Khai mạc Hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả Đề án, tôi rất hoan nghênh thời gian qua Sở KH&CN đã rất nỗ lực trong việc triển khai nhanh chóng, đồng bộ Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”. Mới đây là một chuỗi hoạt động ý nghĩa được tổ chức rất bài bản và chuyên nghiệp, như Hội thảo “Đánh giá đặc tính cảm quan Mai vàng Huế và thành lập Hội Mai vàng Huế”; Triển khai hai dự án KH&CN về Mai vàng, hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Qua đó, các chuyên gia, nghệ nhân về Mai vàng đã tham gia rất tích cực để góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu của Mai vàng Huế với mong muốn làm sao Mai vàng là loài cây đặc trưng và phổ biến của Huế, và nói đến Huế là nói đến Mai vàng.
Thực trạng Mai vàng Huế hiện nay
Trong phần phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, hiện nay, Mai vàng Huế chưa phát huy được các tiềm năng, giá trị vốn có của nó, giống Mai vàng Huế đã bị lai tạp khá nhiều, việc nhân giống còn theo thói quen đơn lẻ, tự phát; các nghiên cứu về Mai vàng Huế chưa nhiều, chưa có những nghiên cứu mang tính chuyên sâu, khép kín theo chuỗi giá trị; việc trồng mai, “chơi mai” chỉ mang tính tự phát, chưa có quy mô, hệ thống; chưa tận dụng tốt tiềm năng ngành kinh tế sinh thái hoa - cây cảnh để tạo lên một thương hiệu tầm cỡ như Hà Lan - xứ sở hoa Tulip; Nhật Bản - xứ sở của hoa Anh Đào; Bulgaria - xứ sở hoa hồng…
TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN báo cáo đề dẫn tại Hội thảo qua hình thức trực tuyến.
“Cho đến nay, loài hoa quý này chưa được nghiên cứu bài bản về đặc tính sinh thái, bảo tồn nguồn gen, và các giải pháp để phát triển cây mai vàng trở thành một sản phẩm đặc trưng độc đáo của vùng đất Cố đô, mặc dù là một loài hoa quý, nổi tiếng nhưng chưa được nghiên cứu để nâng tầm phát triển thương hiệu để trở thành một biểu tượng một sản phẩm văn hóa, du lịch, một sản phẩm chủ lực của địa phương và hơn thế có thể xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”, Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh.
TS. Trần Hữu Thùy Giang - Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, trong thời gian qua, việc từng bước xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam bằng cách khôi phục và phát triển Hoàng Mai là một hướng đi đúng đắn, không chỉ góp phần xây dựng đô thị di sản, cảnh quan, thân thiện với môi trường mà còn tạo điểm nhấn đặc sắc để thu hút du khách, phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, từ chủ trương cho đến việc thực hiện và ra được các sản phẩm khai thác du lịch dịch vụ là một quá trình lâu dài, cần có sự thống nhất, đồng bộ và nhất quán trong thực hiện.
TS. Trần Hữu Thùy Giang - Giám đốc Sở Du lịch trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Kiều Oanh.
Theo TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Quốc gia Việt Nam tại Huế, thực tế xã hội hiện nay đang nảy sinh nhiều tình huống nhạy cảm, có nguy cơ làm phương hại đến văn hóa nhà vườn xứ Huế nói chung và Hoàng mai nói riêng: trường hợp con cháu sinh sống và làm ăn xa xứ, vấn đề thừa kế đất đai dẫn đến tình trạng cắt xẻ để làm nhà cũng như mua bán nhà đất, vấn đề đô thị hóa... Hoàng mai gắn liền với an khang, việc di chuyển vị trí lão mai dễ gây nên tâm lý bất an, làm tổn hại đến sức sống của cây nên nguy cơ mai một là rất lớn.
TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Quốc gia Việt Nam tại Huế nêu vấn đề về Thương hiệu hóa Mai vàng Huế. Ảnh: Nhật Trinh.
Cùng nêu lên thực trạng liên quan đến Mai vàng Huế, Luật sư Nguyễn Bá Hội - Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Phát triển Thương hiệu AMC Việt Nam cho rằng, Mai vàng Huế chủ yếu là mai thế với giá trị rất cao, không phải ai, gia đình nào cũng có đủ điều kiện để sắm cho mình một bình mai, chậu mai trong dịp tết. Có nghĩa là Mai vàng Huế hiện nay đang bỏ ngỏ phân khúc mai thương mại bình dân với nhu cầu ngày càng tăng không chỉ cho người Huế mà cả những người yêu mai, thích mai ở các địa phương khác. Chính điều này, tạo điều kiện cho Mai vàng Bình Định, Mai vàng Vĩnh Long... đang từng bước xâm nhập, chiếm lĩnh các thị trường, trong đó có Huế.
Luật sư Nguyễn Bá Hội - Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Phát triển Thương hiệu AMC Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nhật Trinh.
Phát huy giá trị Mai vàng Huế từ góc độ văn hóa, phát triển du lịch dịch vụ và thương hiệu hóa
Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, Hoàng mai là hoa tượng trưng cho tết, cho mùa xuân của cư dân phương Nam nói chung, nhưng riêng với Huế, lại có ý nghĩa đặc biệt. Vả lại, Hoàng mai Huế cũng là một giống mai đặc biệt, khác với các loại Hoàng mai khác sau hàng trăm năm được nuôi dưỡng, chăm sóc, tuyển chọn bởi cả thiên nhiên và con người xứ Huế.
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Kiều Oanh.
Theo TS. Phan Thanh Hải, do là loài hoa được vua chúa, giới quý tộc yêu thích nên thường được nâng niu chăm chút công phu để tạo dáng, thế chuẩn từ bộ rễ, gốc (bệ) thân, cành, lá đến hoa. Hoàng mai Huế khó tính, khó chăm nhưng nếu được chăm sóc tốt, đúng cách thì tạo nên giá trị rất lớn. “Sự khẳng định một cách chính danh của Hoàng đế Minh Mạng với Hoàng mai Huế: Khắc hình tượng hoàng mai trên bộ Cửu đỉnh (đúc năm 1835): Hoàng mai được chọn là 1/153 hình ảnh mang tính biểu tượng được khắc trên thân Cửu Đỉnh - Bộ Đại Nam nhất thống chí bằng đồng của nước ta đầu thế kỷ XIX. Ngoài ra, Hoa mai được khắc trên Nghị Đỉnh, và là 1 trong 9 loài hoa được khắc trên Cửu Đỉnh”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Trên góc độ văn hóa, TS. Phan Thanh Hải cho rằng, cần đầu tư nghiên cứu để làm rõ và bổ sung các giá trị phong phú về văn hóa, lịch sử và di sản của Hoàng mai đối với Huế, nên xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu về Hoàng mai Huế nói riêng và các loài hoa, kiểng của cố đô Huế nói chung. Gắn liền hình ảnh, thương hiệu của Hoàng mai Huế với các lễ hội văn hóa, nhất là các lễ hội đầu xuân (các lễ hội cung đình: Lễ dựng nêu, Hạ nêu, Lễ tiến xuân…), Lễ hội Đền Huyền Trân Công chúa (8-9 tháng Giêng), Lễ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng)… Gắn liền hình ảnh Hoàng mai Huế với các sản phẩm văn hóa, du lịch của Huế như áo dài truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, nghệ thuật ẩm thực… Và quan trọng nhất là làm sao để Hoàng mai Huế trở thành một biểu tượng của văn hóa Huế. Đồng thời góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Đó cũng là một cách thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng mai Huế một cách hữu hiệu và bền vững.
Về góc độ phát triển du lịch dịch vụ, TS. Trần Hữu Thùy Giang nhấn mạnh cần thiết xây dựng xứ sở Hoàng mai hướng đến tổ chức Lễ hội Mai vàng xứ Huế vào dịp tết Nguyên đán. Thực tế cho thấy trong dịp Tết Nguyên đán hai năm vừa rồi, hai vườn Mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn (TP. Huế) với sắc hoa vàng rực rỡ đã trở thành những điểm thu hút người dân và du khách đến thưởng lãm. Để đưa những ý tưởng này vào thực tiễn và có thể khai thác, thu hút du khách trong thời gian sớm nhất, ngoài việc phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ” để khôi phục truyền thống trồng mai vàng, chơi mai cảnh của người dân, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô, việc cần thiết hiện nay là cần quy hoạch, định hướng phù hợp để xây dựng các tuyến phố, vườn mai, rừng mai có quy mô để tạo cảnh quan phục vụ du lịch là điểm đến đặc sắc cho thành phố Huế.
Triển lãm “Mai vàng Huế - Tuyệt tác mùa xuân” với nhiều tác phẩm độc đáo. Ảnh: Kim Tùng, Kiều Oanh.
TS. Trần Hữu Thùy Giang cho rằng, ngoài 02 hai vườn Mai vàng hiện tại, có thể nghiên cứu thêm hàng mai ở tuyến phòng lộ cạnh hộ thành hào, hộ thành giai, bố trí các chậu Mai bonsai trong hoàng cung; Tiếp tục trồng mai tại các điểm di tích, đền chùa, khu du lịch văn hóa, khu vực cảnh quan tự nhiên đặc trưng để tạo thêm giá trị cảnh quan. Ở các địa phương bên cạnh các loại cây đặc trưng (ví dụ hoa đỗ quyên ở vùng đệm Bạch Mã) cũng cần xây dựng các tuyến đường, vườn mai. Việc trồng 2.000 cây Hoàng Mai ở Làng cổ Phước Tích có thể nói là điểm nhấn để tạo ra một rừng mai trong 5 - 10 năm tới. Đây thực sự sẽ là những nơi thu hút du khách trong thời gian du lịch ở Huế trong dịp tết Nguyên đán.
Nêu vấn đề Mai vàng Huế từ giá trị trong nhà vườn đến việc thương hiệu hóa, TS. Trần Đình Hằng nhấn mạnh, điểm đáng lưu ý là trong đời sống văn hóa Huế truyền thống, bởi sự quý hiếm mà Mai vàng thực sự là một tri kỷ chứng kiến những sự kiện trọng đại trong văn hóa gia tộc, ít được chú trọng giá trị thương phẩm. Cho nên trong bối cảnh xã hội hiện nay, thương hiệu hóa Mai vàng xứ Huế là một vấn đề không đơn giản, cần được tiến hành thận trọng, hợp lý để đồng thời bảo lưu được giá trị cổ điển của Mai vàng và kỹ nghệ hóa, thương hiệu hóa di sản Mai vàng trở thành một thượng phẩm trên thị trường đầy khó tính, khắt khe.
Tham quan các vườn mai tại Huế. Ảnh: Kiều Oanh.
Trong quá trình muốn đưa Hoàng mai từ văn hóa gia tộc gắn liền văn hóa nhà vườn xứ Huế ra sâu rộng bên ngoài xã hội, ra thương trường, cần xác định, xây dựng được bộ tiêu chí Mai vàng xứ Huế, đặc biệt là Mai ngự về mặt sinh học và văn hóa, khảo sát hiện trạng những cây Hoàng mai quý để có kế hoạch hỗ trợ chủ nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nhân giống; hỗ trợ những người yêu Hoàng mai, chơi Hoàng mai và nhất là giới kinh doanh để giúp họ kỹ nghệ hóa, thương hiệu hóa nghề trồng Hoàng mai.
Những giải pháp phát triển cây Mai vàng Huế và định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam
Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Hồ Thắng cho biết, với quyết tâm khôi phục và phát triển Mai vàng Huế, trong thời gian qua, với “Phong trào Mai vàng trước ngõ”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các ban ngành liên quan trồng và quy hoạch các vườn mai trên địa bàn, bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Hai vườn Mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn đã trở nên lung linh, sang trọng khi Tết đến xuân về với cảnh hoa vàng rực rỡ, tỏa hương thơm thanh khiết, thu hút người dân và du khách đến thưởng lãm. Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển tiềm năng tài nguyên bản địa của một loài sinh vật cảnh nổi tiếng, Sở KH&CN đã tham mưu trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô, hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Lãnh đạo Sở KH&CN và các chuyên gia trong chuyến tham quan vườn mai trên đường Lê Duẫn, TP. Huế. Ảnh: Kiều Oanh.
Các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cũng đã được Giám đốc Sở KH&CN nêu rõ, trong đó chú trọng đưa phong trào “Mai vàng trước ngõ” trở thành phong trào trọng điểm để quảng bá cho xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học nhằm xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Xây dựng cuốn sách “Huế - Xứ sở Mai vàng của Việt Nam”, xây dựng phim ký sự về Mai vàng Huế. Đặc biệt, hàng năm sẽ tổ chức Lễ hội Mai vàng Huế; sau năm 2025 đây phải là lễ hội mang tầm quốc gia. Về công tác Quy hoạch các khu vực trồng Mai vàng Huế, Tỉnh sẽ giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương rà soát, nghiên cứu để quy hoạch xây dựng các rừng mai, vườn mai trọng điểm nhằm tạo điểm nhấn cho xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Lựa chọn giống gốc của Mai vàng Huế để trồng tại các điểm quy hoạch; phát triển nhanh, bền vững các rừng mai dự kiến quy hoạch bằng việc vận động, xã hội hóa để có được những cây mai có độ tuổi phù hợp.
Triển khai các nhiệm vụ KH&CN để xây dựng xứ sở Mai vàng của Việt Nam, và xây dựng các thiết chế quảng bá hình ảnh và phát huy giá trị thương hiệu xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Trong đó, Hội Mai vàng Huế là chủ thể thực hiện các hoạt động Quy tụ nghệ nhân, những người yêu thích cây Mai vàng trên toàn tỉnh, nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp phát triển Mai vàng Huế, làm quản lý chỉ dẫn địa lý Mai vàng Huế, nhằm quản lý các cơ sở Mai vàng Huế đúng chuẩn được sử dụng thương hiệu, đồng thời bảo vệ quyền khai thác, sử dụng quyền sở hữu trí tuệ - thương hiệu Mai vàng Huế. Tổ chức các cuộc thi, triển lãm nghệ thuật Bonsai Mai vàng Huế; Phối hợp với các sở ban ngành tổ chức Lễ hội Mai vàng Huế, các chợ phiên đấu giá Mai vàng và nhiều hình thức khác nhằm quảng bá, tuyên truyền Mai vàng Huế…
PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Kiều Oanh.
Về góc độ bảo tồn, PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, cây Mai Huế do từ trước đến nay ít được nghiên cứu một cách bài bản, việc sản xuất Mai Huế chủ yếu là mang tính tự phát, người dân chưa có nhiều thông tin về vai trò và ý nghĩa của nguồn gen Mai Huế, nhiều cây mai có giá hàng trăm năm tuổi có nguy cơ bị bán ra ngoài tỉnh, hoặc do chế độ chăm sóc không phù hợp, cây bị chết, từ đó dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn gen, do vậy rất cần được bảo tồn. Do đó, mục tiêu của việc bảo tồn nguồn gen Mai Huế có nguy cơ bị mai một sẽ giúp duy trì và phát triển nguồn gen mai quý, phục vụ việc sản xuất một cách ổn định, lâu dài và bền vững.
Chuyên gia Thực vật học Đỗ Xuân Cẩm đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế. Ảnh: Nhật Trinh.
Chuyên gia Thực vật học Đỗ Xuân Cẩm cũng cho rằng, việc xác định cụ thể các giống Mai vàng 5 cánh hiện hữu ở Thừa Thiên Huế là yêu cầu cấp thiết, sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát triển hiệu quả giống Mai vàng đặc hữu của địa phương, từ đó Hội Mai vàng Huế sẽ có định hướng hữu hiệu trong việc bảo vệ thương hiệu và sản xuất giống “Mai vàng Huế” sau này. Do đó, để làm tốt điều này chúng ta cần xâm nhập thực tế rộng rãi, tiếp cận hàng loạt cây Mai vàng ở nhiều địa bàn khác nhau thuộc các huyện, thị xã chứ không riêng thành phố Huế. Ngoài ra, để tăng độ chính xác khoa học và độ tin cậy thì cũng phải kết hợp tốt cả hai phương pháp: phân loại học thực vật và dân tộc học thực vật.
Về xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý Mai vàng Huế góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Luật sư Nguyễn Bá Hội cho rằng, phát triển chỉ dẫn địa lý Mai vàng Huế là góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đây là hướng đi đúng và chúng tôi tin rằng với quyết tâm của UBND tỉnh, của các cấp các ngành tại địa phương, của người dân, thời gian tới đây, du khách thập phương sẽ được thưởng ngoạn và sử dụng Mai vàng Huế, một sản phẩm đặc sắc của Thừa Thiên Huế.
Sau khi lắng nghe những phần trình bày tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã gửi lời cảm ơn chân thành đến những người yêu Huế đã tham gia và góp ý tích cực tại Hội thảo. Các ý kiến đó sẽ giúp hiện thực hóa Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”.
Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: Kiều Oanh.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, làm sao để bảo vệ giống mai và các cây mai quý phải được giữ gìn trên chính đất Huế và đến lúc chúng ta phải bảo tồn và phát huy giá trị Mai vàng Huế, và đề án cũng đã được ra đời trong bối cảnh ấy. Trong một thời gian ngắn, phong trào ”Mai vàng trước ngõ” đã được triển khai rầm rộ và ở đâu cũng rất khí thế. Để làm được điều đó là do Mai vàng đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân xứ Huế, cũng như khởi dậy được niềm tự hào trong mỗi chúng ta.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã hoan nghênh Sở KH&CN đã tổ chức các Hội thảo mang tính định hướng rất hiệu quả, cũng như các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân và những người chơi mai. Qua đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu toàn diện các ý kiến và triển khai Đề án cụ thể hơn. Sớm xây dựng thương hiệu và hình thành hệ giống cây đầu dòng, cần hỗ trợ về phân bón, quy trình chăm sóc cây. Mai vàng Huế bên cạnh giá trị về sinh thái, cảnh quan, cần phải có giá trị về kinh tế, nhân văn, văn hóa, lịch sử. Sớm hình thành và đi vào hoạt động Hội Mai vàng Huế và cần có sự thống nhất để hỗ trợ bảo tồn giống, chuyển nhượng trên địa bàn. Và làm sao để Mai vàng Huế là cây đặc trưng và phổ biến của Thừa Thiên Huế, nhắc đến Huế là nói đến Mai vàng. Ngoài ra, sớm xây dựng và hình thành Lễ hội Mai vàng, chọn thời điểm, phương thức phù hợp để có một lễ hội thực sự và hy vọng cuối năm 2022 phải có một lễ hội đúng tầm, đúng quy mô.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn những ý kiến góp ý của các đại biểu và sự chỉ đạo đầy tâm huyết của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Qua đó, sẽ giao trách nhiệm cho Sở KH&CN tiếp thu toàn diện các ý kiến để hoàn thiện và triển khai quyết liệt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh các cơ chế chính sách để hỗ trợ thực hiện và phát triển Mai vàng Huế xứng tầm với giá trị hiện có.
Ông Phan Ngọc Thọ và ông Nguyễn Thanh Bình trao Giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải tại Triển lãm và Cuộc thi ảnh “Mai vàng Huế - Tuyệt tác mùa xuân”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở KH&CN và các cơ quan ban ngành cần tuyên truyền, quảng bá tốt hơn nữa hình ảnh Mai vàng xứ Huế để phát huy giá trị và thương hiệu xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Tổ chức quy hoạch xây dựng một số vườn mai, rừng mai trọng điểm nhằm tạo điểm nhấn cho xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Triển khai các nhiệm vụ KH&CN về Mai vàng Huế để có cơ sở bảo tồn và lưu giữ được nguồn gen quý phục vụ công tác nghiên cứu và nhân giống, qua đó góp phần phát triển ngành sản xuất hoa Mai vàng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội, từ đó bảo tồn lưu giữ và phát triển giống cây Mai vàng Huế. “Về hướng lâu dài, phải xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng Huế để cây Mai vàng trở thành một sản phẩm công cộng, một loại hàng hoá tạo ra thu nhập, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch, thông qua xây dựng bản sắc văn hoá Huế, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN tặng hoa cho các cá nhân, tổ chức đã đồng hành, ủng hộ cho Triển lãm và Cuộc thi ảnh "Mai vàng Huế - Tuyệt tác mùa xuân". Ảnh: Đinh Văn.
Việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam là một việc làm lâu dài, kiên trì. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu bài bản, đặt hết tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và trí tuệ để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan, thân thiện với môi trường, từ đó phát huy giá trị văn hóa - kinh tế cây Mai vàng Huế, đưa các sản phẩm từ cây Mai vàng Huế trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai.