02/04/2022 4:48:51 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Lăng Hoàng đế Ðồng Khánh (Tư Lăng)
Lăng Ðồng Khánh tọa lạc giữa một vùng quê tĩnh mịch thuộc làng Cư Sĩ, xã Dương Xuân ngày trước (nay là thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân, thành phố Huế).

Ông vua vắn số này yên nghỉ giữa một vị thế nồng ấm tình cảm gia đình. Chung quanh ông là lăng mộ của bà con quyến thuộc: lăng Tự Ðức (bác ruột và là cha nuôi), lăng Kiên Thái Vương (cha ruột), lăng bà Từ Cung (con dâu), lăng bà Thánh Cung (vợ). Xa hơn là lăng Tá Thiên Nhân Hoàng hậu (bà cố nội), lăng Thiệu Trị (ông nội)... Âu đó cũng là sự bù đắp cho vị vua kém may mắn này.

Ðồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Ðường, con trai cả của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876), người sinh thành 3 vị vua: Kiến Phúc (1883-1884), Hàm Nghi (1884-1885) và Ðồng Khánh (1886-1888). Ca dao Huế từng nói về vương nghiệp của ba ông vua này:

"Một nhà sinh đặng ba vua,
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài."

Ðồng Khánh là anh cả nhưng lại được đưa lên ngai vàng sau cùng. Bấy giờ, khi vua Hiệp Hòa chết (1883), Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập Hoàng tử Ưng Ðăng (con nuôi vua Tự Ðức, em thứ hai của Ưng Ðường) lên làm vua, lấy niên hiệu là Kiến Phúc. Ở ngôi được 8 tháng thì Kiến Phúc băng hà, em trai là Ưng Lịch được kế vị, đặt niên hiệu Hàm Nghi. Hàm Nghi trị vì được một năm thì kinh đô thất thủ (5-7-1885), phải rời ngai vàng theo Tôn Thất Thuyết ra Sơn phòng Tân Sở, phát chiếu Cần Vương kháng Pháp. Triều thần và chính phủ bảo hộ đưa anh trai Hàm Nghi vào ngai vàng đang để trống, đó là Ðồng Khánh. Ðồng Khánh làm vua được ba năm thì băng hà vào giữa tuổi 25. Nhà vua không ngờ mình chết sớm như vậy nên chưa hề lo nghĩ đến sinh phần mai sau của mình. Lăng Ðồng Khánh hiện hữu, thực chất là nơi vua Ðồng Khánh tá túc vĩnh viễn trong điện thờ thân phụ của ông. Sự ra đời của khu lăng tẩm này khá nhiều trắc trở.

Sau khi lên ngôi, Ðồng Khánh thấy lăng mộ của cha mình ở Cư Sĩ chưa có điện thờ nên sai Bộ Công dựng điện Truy Tư cạnh đó để thờ cha. Ðiện Truy Tư khởi công vào tháng 2 năm 1888, đến tháng 10 năm đó hoàn tất về căn bản. Ðồng Khánh rước bài vị của Kiên Thái Vương về thờ trong điện, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh công trình. Thế nhưng, trong khi công việc kiến trúc đang tiếp tục thì Ðồng Khánh mắc bệnh và đột ngột qua đời. Vua Thành Thái (1889-1907) kế vị trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không thể xây cất lăng tẩm quy củ cho vua tiền nhiệm, đành lấy điện Truy Tư đổi làm Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh. Thi hài nhà vua cũng được an táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách điện Ngưng Hy 30m về phía Tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi tên là Tư Lăng.

Tháng 8 năm 1916, sau khi lên ngôi được 3 tháng, vua Khải Ðịnh (1916-1925), con trai vua Ðồng Khánh đã tu sửa điện thờ và xây cất lăng mộ cho cha mình. Toàn bộ khu lăng mộ từ Bái Ðình, Bi Ðình đến Bửu Thành và Huyền Cung đều được kiến thiết dưới thời Khải Ðịnh, đến tháng 7-1917 mới hoàn thành. Riêng điện Ngưng Hy cùng Tả, Hữu Tùng Viện; Tả, Hữu Tùng Tự tiếp tục được tu sửa cho đến năm 1923.

Ra đời trong quá trình dài như thế, lăng Ðồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau. Nếu phong cách cổ truyền thực sự dừng chân trong kiến trúc lăng Tự Ðức và phong cách hiện đại được thể hiện rõ nét trong kiến trúc lăng Khải Ðịnh sau này thì lăng Ðồng Khánh là một bước trung chuyển. Sự tồn tại khá biệt lập của hai khu vực lăng và tẩm càng làm rõ thêm điều này. Ở khu vực tẩm điện, nhìn tổng thể, các công trình vẫn mang dáng xưa: lối kiến trúc trùng thiềm điệp ốc ở chính điện và các nhà cửa phụ thuộc, vẫn những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy với đồ án trang trí tứ linh, tứ quý... quen thuộc. Ðáng chú ý là điện Ngưng Hy, một công trình vốn được coi là nơi bảo lưu bậc nhất nghệ thuật sơn son thếp vàng, nghệ thuật sơn mài nổi tiếng của Việt Nam. Trên các đố bản ở nội thất là hàng loạt các ô hộc trang trí các đề tài mai điểu, tùng lộc, liên áp, trúc tước... bằng sơn mài, ghép khảm và chạm nổi. Ðặc biệt trong chính điện còn có 24 đố bản vẽ các bức tranh trong điển tích Nhị thập tứ hiếu kể về những tấm gương hiếu thảo ở Trung Hoa. Phải chăng do làm vua trong một xã hội mà trật tự, kỷ cương Nho giáo trở nên lỏng lẻo, thiết chế quân, sư, phụ không được tôn trọng, luân lý bị đảo lộn, Ðồng Khánh mong mỏi tái lập một xã hội với đầy đủ tôn ti phong kiến cũ và bắt đầu từ ý nghĩa giáo dục của những bức tranh đó ? Ðiều này khó có thể thực hiện được khi bản thân nhà vua cũng chỉ là cái bóng trên ngai vàng! Ngay cả việc xuất hiện những bức phù điêu bằng đất nung trên các cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết của điện Ngưng Hy với các đồ án trang trí rất dân dã như ngư ông đắc lợi, gà chọi, cầm- kỳ-thi-tưủ, hoa quả, động vật... cũng phần nào minh chứng cho điều này. Bởi lẽ, trong lăng tẩm các vua tiền nhiệm, hoàn toàn vắng bóng loại hình sản phẩm bằng đất nung cũng như các đồ án trang trí dân gian vì giai cấp phong kiến coi đó là tầm thường, xa lạ với nghệ thuật cung đình. Chỉ đến khi thiết chế xã hội bớt khắc khe thì người nghệ sĩ dân gian mới có thể lồng vào trong nền mỹ thuật cung đình những sáng tạo của giai cấp mình.

Bản thân điện Ngưng Hy với cấu trúc chữ tam phát triển từ kiến trúc trùng thiềm điệp ốc cũng là một nét lạ. Tuy nhiên việc xuất hiện hệ thống cửa kính nhiều màu và hai bức tranh cổ mô tả cuộc chiến tranh Pháp - Phổ thời Napoléon cùng hàng loạt hiện vật như ba-toong, lọ nước hoa bên cạnh các hiện vật cổ tạo cho du khách một cảm giác lai căng, khó chịu. Ngược lại với phong cách truyền thống trong kiến trúc khu vực tẩm điện, kiến trúc lăng mộ hầu như Âu hóa hoàn toàn, từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật liệu xây dựng. Bi Ðình là sự biến thể của kiến trúc Roman pha trộn với kiến trúc Á Ðông. Tượng quan viên cao, gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, gạch carô thế chỗ gạch Bát Tràng... Nét Á Ðông, lưu giữ một cách hiếm hoi trong khu vực mộ, có lẽ là những chữ thọ trang trí trên bình phong trước mộ để cầu mong sự trường tồn trong vương nghiệp của vua ở âm phần, bù lại chuỗi ngày làm vua ngắn ngủi trên dương thế. Phía sau ngôi mộ có hai con cá chép đắp bằng xi măng, bên trên có hai con rồng chầu mặt trời như muốn nhắn gửi với hậu thế rằng quá trình trị vì của vua cũng gian nan, vất vả như cá chép hóa rồng phải vượt qua vũ môn vậy (!).

Nhìn chung, lăng Ðồng Khánh được xây dựng trong buổi giao thời của lịch sử nên nền kiến trúc Á Ðông phần nào phôi pha, mờ nhạt để chuyển tiếp đến kiến trúc hiện đại. Người nghệ sĩ kiến tạo khu lăng tẩm này bị đặt giữa một sự chọn lựa và tiếp nhận: kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian và kiến trúc mới du nhập. Trong một chừng mực nhất định, họ đã thành công trong việc thể nghiệm cái mới, đưa yếu tố dân dã vào trong cung đình khiến lăng Ðồng Khánh hòa hợp với phong cảnh thôn dã trong vùng.

Trần Đức Anh Sơn