15/12/2022 3:49:30 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Đôi nét về nội dung vũ khúc cung đình Tam Quốc – Tây Du
Trong số những điệu múa do triều Nguyễn để lại, Tam Quốc – Tây Du là một vũ khúc mang phong cách đặc trưng của cung đình Huế. Nguyên xưa, vũ khúc này được trình diễn trong những ngày đại khánh của triều đình như lễ Vạn thọ, lễ Thánh thọ, lễ Tiên thọ. Bên cạnh đó, điệu múa này còn được dùng cho việc đào tạo diễn viên cung đình bởi nó chuyển tải những vũ đạo cơ bản trong nghệ thuật múa và Tuồng, giúp giải phóng hình thể cho những người mới bắt đầu bước vào học nghề.
Biểu diễn vũ khúc cung đình Tam quốc - Tây du
Biểu diễn vũ khúc cung đình Tam quốc - Tây du

Có thể nói, điệu múa Tam Quốc – Tây Du được xem là bài bản cơ bản, quan trọng không thể thiếu trong nghệ thuật biểu diễn cung đình, đặc biệt là Tuồng Cung đình Huế.

Về nội dung của điệu múa Tam Quốc – Tây Du, sách “Những Đại lễ và Vũ khúc của Vua chúa Việt Nam” đã viết: “Đào Duy Từ đặt ra điệu múa Tam Quốc, để diễn lại sự tích  những vị anh hùng chiến đấu vì dân vì nước. Còn điệu múa Tây Du nhằm siêu thoát âm hồn thập loại chúng sinh và cầu cho dân nước bình yên”. [1]

Tìm lại cội nguồn, nhắc đến Tam Quốc – Tây Du, chúng ta liền nghĩ ngay đến hai tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc: Tam Quốc Diễn Nghĩa và Tây Du Ký. Tam Quốc Diễn Nghĩa vốn có tên là Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa hay còn gọi là Tam Quốc Chí - bộ tiểu thuyết trường thiên vĩ đại  nổi tiếng. Tác phẩm là bức tranh tổng thể, khái quát cho người xem thấy được cục diện thời Hậu Hán hay còn gọi là Đông Hán, kể về thời kỳ Tam Quốc (thế kỷ III sau CN) với ba nước Ngụy, Thục, Ngô phân chia giang sơn thành thế chân vạc, giành quyền thống nhất Trung Nguyên. Tây Du Ký là một bức tranh trong một không gian và bối cảnh hoàn toàn khác. Đây là tích truyện kể về nhà sư Huyền Trang đời Đường đi Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật. Ở tác phẩm này những điều kỳ quái, trần tục và thần bí cứ đan xen vào nhau, hòa trộn vào nhau khiến cho người đọc như lạc giữa hư vô, giữa không gian mênh mông của vũ trụ.  

Các nghệ sỹ Nhà hát NTTT Cung đình Huế biểu diễn vũ khúc cung đình Tam quốc - Tây du

Tại Việt Nam, hai tác phẩm trên đã được chuyển thể thành các vở Tuồng Tây Du Ký diễn kịch[2]Quan Công qúa quan (của tác giả Đào Tấn). Tương tự, chúng lại được chuyển thể thành một tổ khúc hát múa với tên gọi Tam Quốc – Tây Du. Với đặc trưng đó nên tuy có cùng tên gọi, cùng chung nhân vật song câu chuyện lại được xây dựng bằng lời thơ, điệu  nhạc. Những hình tượng nhân vật, mâu thuẫn, xung đột, không gian, thời gian trước đây được mô tả trên hàng trăm trang sách nay được kết tinh trên từng lời, từng chữ, từng câu nhạc, điều đó làm cho tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị cao về mặt nghệ thuật.

Việc lấy nội dung tích truyện của Trung Quốc là một hiện tượng khá phổ biến trong nghệ thuật cung đình Huế, đặc biệt là trong nghệ thuật Tuồng (ngoài hai vở Tuồng kể trên còn có các vở Trầm Hương Các, Phụng Nghi Đình, Nhị Độ Mai, Dương Chấn Tử…). Song ở đây, vũ khúc Tam Quốc – Tây Du là một sáng tạo thuần túy của người Việt Nam dựa trên một điệu múa truyền thống của người Việt nên tính chất cung đình Việt Nam bộc lộ một cách hết sức rõ nét.

Điệu  múa Tam Quốc – Tây Du bao gồm 9 bài bản1,  mỗi bài chuyển tải từng nội dung khác nhau. Đi sâu tìm hiểu về vấn đề nội dung, có thể nhận thấy vũ khúc này không hoàn toàn trùng khớp với hai tích truyện Tam Quốc và Tây Du. Trước hết, vì đây là một vũ khúc cung đình dùng để trình diễn vào các ngày khánh hỷ, chúc thọ hoàng gia nên chúng phải có nội dung ca ngợi, chúc tụng. Điều đó thể hiện ngay phần đầu tiên của vũ khúc là điệu nói lối có tính chất như một khúc dạo đầu, mang nội dung chúc thọ và cầu phúc:

          Thần đẳng lưỡng ban tiên tử

          Đồng lai hiến thọ ba đăng

          Chúc thọ tỉ Nam sơn

          Cầu phước như Đông hải.

Dịch nghĩa: Chúng thần hai ban tiên tử,

Cùng đến dâng bài múa Bông.

Chúc thọ tựa Nam Sơn,

Cầu phước như Đông Hải.

          Trong một số bài khác cũng có những lời ca ngợi, chúc tụng nhà vua:

          Nguyện thướng ngô hoàng tăng vạn tuế

          Hàm bôi hiến thọ ngưỡng long nhan.

          Dịch nghĩa: Xin chúc vua ta thêm muôn tuổi,

          Mượn chén rượu dâng lên ngửa trông mặt rồng.

          Hoặc:

          Đường đường chính tọa hóa kim tiên

          Chiếu diệu hào quang thấu cửu thiên

          Đức trạch quần sinh chư thiện đạo

          Ân đồng cửu hữu phối lương duyên…

          Dịch nghĩa: Đường đường chính tọa hóa thân kim tiên,

          Hào quang soi thấu chin từng trời.

           Đức thấm nhuận mọi loài gồm đạo thiện,

          Ơn ra khắp chín cõi sánh duyên lành…

Và điệu múa kết thúc bằng câu hát tỏ lòng biết ơn của thần dân đến đức vua:

        Hồi đầu vọng bái tại giai tiền

Dịch nghĩa: Ngoảnh đầu bái vọng tạ ơn trước thềm.

Cũng mang ý nghĩa ca ngợi nhà vua và vương triều, song, có khi lời ca lại biểu hiện thông qua việc ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhân dân vui hưởng thái bình. Cảnh thiên hạ thái bình đó chính là nhờ hồng phúc và công ơn của vương triều gây dựng nên. Ở đây, có những câu hát miêu tả cảnh đẹp của mùa thu với những từ ngữ, hình ảnh đầy biểu cảm chẳng khác nào một bức tranh thủy mặc bằng thơ.

        Yên lung bích thụ, lạc hà dữ cô vụ tề phi

        Lạo tận hàn đàm, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.

Dịch nghĩa:

        Khói lồng cây biếc, ráng rơi và cò lẻ cùng bay;

        Lụt khắp đầm trong nước thu với trời xa một sắc.

Phần chính của điệu múa là những bài kể chuyện Tam Quốc và Tây Du, tuy nhiên, không phải kể toàn bộ hai tích truyện này mà chỉ một phần nhỏ trong đó. Chẳng hạn, phần Tam Quốc nói về chuyện giặc khăn vàng nổi lên làm loạn; ba người Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào, sau đó miêu tả hình ảnh ba anh em giao chiến cùng Lã Bố. Phần Tây Du kể chuyện Huyền Trang trên đường đi lấy kinh, gặp yêu ma quỷ quái trên đường gây khó khăn, cản trở, Tôn Ngộ Không đã ra tay ứng cứu. Ngoài ra, còn có những bài hát khách ca ngợi sức mạnh của Lã Bố và phép thuật cao cường của Tôn Ngộ Không.

Tuy có tên gọi là Tam Quốc – Tây Du, song vũ khúc này chỉ kể lại một phần nhỏ hai tích truyện nói trên. Còn lại là những bài ca chúc tụng, ca ngợi nhà vua và vương triều cùng sự bày tỏ lòng biết ơn, cầu chúc của thần dân đến đức vua muôn tuổi. Thông qua nội dung văn học của điệu múa còn cho chúng ta thấy một vấn đề: vũ khúc Tam Quốc – Tây Du là một sáng tạo tập thể qua nhiều thời kỳ khác nhau. Có thể ngay từ đầu Đào Duy Từ đã dựa trên bài múa Bông dân gian Bắc bộ để sáng tạo nên phần cốt lõi của múa Tam Quốc – Tây Du. Về sau, dưới thời các vua Nguyễn, điệu múa này được bổ sung dần các bài bản có nội dung ca ngợi, chúc tụng nhà vua để phù hợp với hoàn cảnh mới. Phần này tỏ rõ ý thức tôn quân trong hệ ý thức phong kiến, chính là môi trường mà vũ khúc này được sản sinh và nuôi dưỡng.

Việc tìm hiểu nội dung của vũ khúc Tam Quốc – Tây Du giúp chúng ta thấy được giá trị nghệ thuật cũng như ý nghĩa lịch sử của điệu múa này. Do vậy, việc khôi phục các điệu múa cung đình nói chung và vũ khúc Tam Quốc - Tây Du nói riêng là việc làm thiết thực phục vụ cho công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể vừa mang ý nghĩa thực tiễn phục vụ cho công tác đào tạo và tập luyện diễn viên múa cung đình cũng như Tuồng cung đình trong bối cảnh hiện tại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1. Ngô Thừa Ân (1994), Tây du ký, Nxb. Cổ tịch Trung Châu, Trung Quốc.
  2. 2. Tôn Thất Bình, (2002), “Ca múa nhạc cung đình Huế, Tuyển tập những bài nghiên cứu về Triều Nguyễn, Tr.368.
  3. 3. Tôn Thất Bình, “Múa cung đình Huế và điệu múa tứ linh”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số tháng 2/1994.
  4. 4. Thiều Chửu (1999), Hán Việt từ điển, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. 5. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1992), Những Đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.
  6. 6. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1994), Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. 7. Quỳnh Hoa, “Múa bông”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 6/1975.
  8. 8. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo (1997), Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  9. 9. Lâm Tô Lộc (1979), Nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
  10. 10. Quốc sử quán Triều Nguyễn (1993), Đại nam liệt truyện tiền biên, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  11. 11. Phạm Văn Thảo, Điển tích đông tây, Nxb. Văn hóa Thông tin.
  12. 12. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện sử học (2005), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Tập IV, Nxb. Thuận Hóa, tr.407,
 

[1] Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Sđd, tr.470.

[2] Nguyễn Lộc, Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.510.

1 Theo những gì sưu tầm được.

Lê Mai Phương