29/12/2017 10:41:00 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
NGHINH LƯƠNG ĐÌNH - HÌNH DÁNG XƯA VÀ NAY
Nghinh Lương Đình là một công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn, tọa lạc bên bờ sông Hương, trên trục chính của kinh thành Huế. Hình ảnh công trình từ lâu đã đi vào với ký ức, tâm hồn người dân xứ Huế và gắn liền với một giai đoạn trầm buồn của lịch sử đầu thế kỷ XX qua địa danh bến Phu Văn Lâu. Ở Huế, câu ca dao:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi ai câu

Ai sầu ai thảm

Ai thương ai cảm

Ai nhớ ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.  

đến giờ vẫn còn day dứt du khách mỗi dịp ghé thăm, khi xuôi theo dòng Hương Giang bên những làn điệu ca Huế dập dìu, khoan nhặt.

Nghinh Lương Đình có tự bao giờ, ở Huế không ai còn nhớ nữa, chỉ biết rằng công trình tiền thân của nó là Lương Tạ, nằm trong hành cung Hương Giang, dùng làm nơi để nhà vua ra hóng mát và lên thuyền du ngoạn. Ban đầu, Lương Tạ là công trình tạm, đầu năm được dựng lên, đến mùa Thu được dỡ xuống. Dòng sử liệu đầu tiên nhắc đến Lương Tạ là Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Ở thời điểm được nhắc đến, công trình đã được xây dựng từ vài năm trước đó. Đến thời Khải Định, cái tên Nghinh Lương Đình  lần đầu đề cập trong sử liệu qua Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ với nội dung: “Mùa thu, tháng 7. Bộ Công tâu nói đình Nghênh Lương đã dựng xong, trở đi gặp ngày kỷ niệm Quốc khánh xin trần thiết trang nhã trong đình ấy cùng diễn kịch diễn hát cho công chúng xem. Vua cho như lời xin”. Thông tin từ đoạn sử liệu và dòng lạc khoản bằng chữ Hán “Khải Định tam niên nhị nguyệt cát nhật kiến tạo” (xây dựng vào ngày tốt tháng 2 năm Khải Định thứ 3) trên bức hoành phi mặt hướng ra sông Hương của công trình đã cho thấy, Nghinh Lương Đình đã có tên như ngày nay và được trùng tu từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, năm Khải Định thứ 3 (1918), và tại thời điểm này, chức năng của công trình đã thay đổi: công trình không còn nằm trong hành cung Hương Giang, chỉ dành cho nhà vua mà đã trở thành sân khấu trình diễn kịch hát cho công chúng xem trong các ngày lễ lớn. Với chức năng mới, Nghinh Lương Đình cũng có những nét tương đồng với các đình dân gian khác, là trở thành nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, chỉ khác là Nghinh Lương Đình thuộc quyền quản lý của triều đình và chỉ mở cửa cho công chúng trong các ngày kỷ niệm đặc biệt.

Mặc dù hình ảnh Nghinh Lương Đình trở thành biểu tượng cho kiến trúc di sản Huế khi hình ảnh của nó và Phu Văn Lâu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn in trong đồng tiền mệnh giá 50.000 đồng, nhưng hình ảnh Nghinh Lương Đình hiện nay có đích thực là Nghinh Lương Đình thời Nguyễn hay không thì ít người được biết. Nhà sử học Phan Thuận An, phần viết về Nghinh Lương Đình của ấn bản Huế-Kinh Thành và cung điện do Nxb Đà Nẵng ấn hành năm 2013, đã mô tả công trình vào giai đoạn 1994-2017 (ảnh f, hình 1). Trong thực tế, Nghinh Lương Đình đã nhiều lần được thay đổi hình dáng mà những lần thay đổi sau này đã làm công trình hoàn toàn khác với nguyên bản đẹp nhất của nó trong thời kỳ Khải Định (1916-1924).

Hình 1: Một vài hình ảnh của Nghinh Lương Đình trong các giai đoạn lịch sử

 

Bức ảnh sớm nhất về Nghinh Lương Đình là bức ảnh giai đoạn Thành Thái-Duy Tân (hình 1a). Công trình thời điểm này có kiểu kiến trúc chồng diêm nhưng không có 02 nhà cầu và được đặt vuông góc với Nghinh Lương Đình hiện tại. Cấu tạo về hình dáng và cách ngăn tường của Nghinh Lương Đình giai đoạn này cho thấy công trình vẫn có tính chất đóng, sự ngăn chia có chủ ý che kín các hoạt động diễn ra đằng sau bức tường theo hướng nhìn từ Kỳ Đài và Phu Văn Lâu, chứng tỏ khi này công trình vẫn đang còn là Lương Tạ.  

Đến thời Bảo Đại (hình 1c), Nghinh Lương Đình đã được đặt trên nền cao hơn và hình dáng cũng có nhiều điểm khác với hình ảnh công trình thời Khải Định (hình 1b).

Vào năm 1974, công trình đã được Chi nhánh Bảo tồn cổ tích Huế tu bổ và hình ảnh của công trình được chụp năm 1984 (hình 1e) chính là sản phẩm của công cuộc tu bổ này. Nhìn vào bức ảnh và so sánh nó với bức ảnh thời kỳ Khải Định và Bảo Đại sẽ nhận thấy công trình đã bị biến đổi nhiều: mái lợp ngói âm dương, tường cổ diềm được xây tụt vào bên trong, bờ quyết mái hạ của công trình được xây cao lên và có ô hộc v.v…Đến năm 1994, công trình một lần nữa được tu bổ theo hình dáng kiến trúc của Nghinh Lương Đình năm 1974 nhưng lần này, toàn bộ mái ngói âm dương của nhà chính đã được thay bằng ngói ống. Để các độc giả quan tâm tới Huế hiểu rõ hơn về công trình thời kỳ rực rỡ nhất, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích một vài chi tiết khác biệt từ 02 bức ảnh tư liệu thời Khải Định (hình 2 và 3).

Từ bức ảnh hình 2 có thể thấy nóc mái nhà chính của Nghinh Lương Đình được trang trí 2 con rồng chầu theo thức lưỡng long triều nhật. Ở chính giữa bờ nóc, biểu tượng mặt nhật được đặt trên khối mây hình tam giác trổ đều 3 lỗ thủng hình tròn, bố trí ở 3 cạnh của hình tam giác đều. Dưới đám mây là bờ nóc được trổ thủng 11 lỗ hình chữ nhật. Bờ nóc được chia thành 5 đoạn ô hộc, đều được khảm sành sứ, trừ ô thủng ở giữa; 

Hình 2:  Mặt sau Nghinh Lương Đình giai đoạn Khải Định

Bờ nóc mái nhà vỏ cua cũng được trang trí chủ đề lưỡng long triều nhật. Các ô hộc bờ nóc cũng có dấu tích hoa văn được đắp nổi, trừ 02 ô hoa văn dưới mỗi đuôi rồng được đúc cánh hoa rỗng.

Trong bức ảnh tư liệu hình 3, có thể nhìn thấy rõ một số chi tiết mặt ngoài:

Hình 3: Các chi tiết trang trí mặt ngoài Nghinh Lương Đình thời Khải Định khác với hiện trạng 2017

 

 

Ô hộc bên dưới mặt nhật nhà vỏ cua có tiết diện hình chữ nhật, là ô chính giữa, được trang trí hồi văn kỷ hà (chi tiết 1). Hai bên ô chính giữa là 02 ô tiết diện hình vuông hình hoa cúc, tiếp đến là 02 ô chữ nhật khảm những cành mai trắng, kế đến lại là 02 ô tiết diện hình vuông vẫn với hình hoa cúc, sau đó là 02 chi tiết cánh hoa đắp rỗng;

Đầu đốc nhà vỏ cua là chi tiết hổ phù được khảm kênh bong nổi khối rất tinh xảo. Viền bên trên chi tiết này là khu đĩ hình đốc khánh được trát hình vòng cung 02 lớp và khảm sành sứ vòng quanh (chi tiết 2,3);

Đầu đốc nhà chính là chi tiết hình con dơi chúc ngược ngậm đồng tiền đặt nằm trong khuôn hình chiếc khánh (chi tiết 4);

Mái nhà vỏ cua được lợp bằng ngói liệt nhưng cuối mỗi hàng ngói có 01 viên ngói khóa đầu có mặt được trang trí hoa văn nổi (chi tiết 05), trong khi mái thượng và mái hạ nhà chính cũng được lợp bằng ngói liệt nhưng không có chi tiết này (chi tiết 6);

Tường cổ diêm ở nhà chính được xây thành các ô hộc khảm sành sứ nổi, sơn vôi sáng màu, cao hơn nhiều so với tường cổ diêm hình 1f, chứng tỏ vị trí đặt tường phải chuyển dịch ra hàng đòn tay thứ 2 để nâng chiều cao tường. Trong ảnh nhìn thấy 01 ô hộc hình vuông có kích thước nhỏ (chi tiết 11);

Phần lộ ra của chi tiết góc quyết mái hạ nhà chính cho thấy đó là chi tiết hoa văn kỷ hà, tương tự như hình ảnh hiện trạng của Nghinh Lương Đình năm 2017 (chi tiết 12);

Máng xối giữa hai nhà được cấu tạo từ vật liệu kim loại đồng, phần đầu máng hơi bị gập cong, hướng thẳng ra hiên nhà (chi tiết 7);

Mặt trước ở 02 bên hồi là 2 trụ giả hình vuông (chi tiết 8), phía trên đỉnh 2 trụ đắp nổi khối các phào chỉ vuông thành sắc cạnh. Ở giữa các phào chỉ là 01 ô hộc hình chữ nhật được phủ bằng sơn vôi màu tối, còn các gờ chỉ được quét sơn màu sáng;

02 trụ giả ở giữa có hình thức giống như 02 trụ ở 02 hồi, chỉ khác phần đỉnh trụ có đắp hoa văn xung quanh (chi tiết 9);

Giữa 3 cửa đi là 03 mái vòm giả đắp nổi phào chỉ và bo tròn ở các góc cửa (chi tiết 15). Phía trên đỉnh vòm có hình dáng của 01 chùm hoa, giống như motip trang trí các công trình kiến trúc Pháp (chi tiết 10);

Chính giữa mảng gỗ chạm lộng được đặt 01 miếng gương tròn (chi tiết 14);

Bờ chảy và bờ quyết mái hạ nhà chính đều được khảm hoa văn sành sứ dọc theo chiều dài (chi tiết 13);

Những hình ảnh tư liệu từ hình 2, 3 cho thấy nhiều chi tiết trang trí của Nghinh Lương Đình giai đoạn Khải Định hoàn khác với hình ảnh công trình vào giai đoạn (1994-2017). Những phát hiện mới này cần phải được xem xét nghiêm túc trên cơ sở hệ thống lý luận về bảo tồn tuân thủ các công ước, hiến chương quốc tế của UNESCO và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về bảo tồn, trùng tu di tích và di chỉ khi thực hiện trùng tu Nghinh Lương Đình.

Nguyễn Tiến
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>