TRÀ CUNG ĐÌNH: Trà Thảo mộc dưỡng sinh là dạng Phương trà bao gồm một hay nhiều loại thảo dược bào chế và sử dụng giống như trà uống hàng ngày.
Dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide) là ứng dụng công nghệ điện tử hỗ trợ tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm.
Những hình ảnh của kinh thành thời Nguyễn được hiện ra đầy đủ, rõ nét sinh động cùng với những hoạt động, nghi thức hàng ngày trong hoàng cung hàng trăm năm trước.
Bên trong Hoàng cung Huế có tổ chức chụp ảnh lưu niệm cho du khách tham quan dưới trang phục thái thượng hoàng, vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và cung phi.
Để tạo điều kiện cho du khách có cơ hội tham quan khu vực xung quanh Đại Nội và tất cả các điểm du lịch bên trong Đại Nội mà không mất nhiều thời gian.
Du khách có thể liên hệ trực tiếp để đăng ký chương trình tham quan có hướng dẫn đi cùng, du khách có thể liên hệ hướng dẫn ngay tại các điểm di tích.
Cung An Định vốn được xây dựng cải tạo trên nền cũ mở rộng của phủ An Định, ngôi phủ được triều đình ban cho hoàng tử Nguyễn Phước Bửu Đảo, con trai của Đồng Khánh từ năm 1902. Triều Nguyễn có lệ, khi các hoàng tử, công chúa lấy vợ, lấy chồng thì ban cho phủ đệ riêng, bởi vậy, thịnh thời tại kinh đô Huế có hàng trăm phủ đệ lớn nhỏ. Phủ An Định xưa có quy mô không lớn lắm, được xây dựng theo phong cách truyền thống Huế với nhà rường, bình phong non bộ, vườn cây… Năm 1916, hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định, để lưu lại kỷ niệm về nơi tiềm để (nơi ở của vua trước khi lên ngôi) của mình, nhà vua đã bỏ tiền riêng mua thêm đất, mở rộng diện tích đến hơn 23.400m2 và xây cung An Định theo phong cách kiến trúc mới.
Đình Trung Lập nằm ngay sau cổng chính, là một ngôi đình bát giác xinh xắn đặt trên nền đài cao hai tầng. Mái đình làm kiểu chồng diêm, chia thành hai lớp, lớp dưới tám cạnh, lớp trên bốn cạnh, các bờ quyết đắp nổi, trang trí 12 con rồng như bay về bốn phương tám hướng của vũ trụ. Trong lòng đình đặt bức tượng đồng chân dung vua Khải Định mặc võ phục. Đây là bức tượng do một người thợ Quảng Nam đúc theo mẫu tỉ lệ 1:1, tượng đúc tại Huế và làm lễ khánh thành vào tháng 7/1924, trước lễ sinh nhật lần thứ 40 của nhà vua. Khác hẳn hai công trình phía trước, lầu Khải Tường là một công trình đồ sộ với dáng vẻ một lâu đài châu Âu thời trung cổ. Tòa lầu chiếm diện tích nền 745m2, gồm ba tầng, 22 phòng, trong đó tầng 1 gồm bảy phòng, chủ yếu để tiếp khách; tầng 2 có tám phòng, dùng để ở; tầng 3 gồm bảy phòng, chủ yếu dùng thờ phụng. Giá trị nổi bật của lầu Khải Tường là nghệ thuật trang trí vẽ trực tiếp lên tường ở trong nội thất và nghệ thuật đắp nổi các phù điêu ở ngoại thất, trong đó tiêu biểu là sáu bức tranh tường vẽ cảnh của năm khu lăng: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và hai bứcvẽ lăng vua Đồng Khánh, phụ hoàng của vua Khải Định.
Nhà hát Cửu Tư Đài có diện tích mặt nền gần 1.200m2, xây hai tầng, mặt quay về hướng bắc, nhưng phía sau liên thông với lầu Khải Tường. Nội thất nhà hát trang trí dày đặc bằng mảnh sành sứ màu khiến công trình có vẻ đẹp lộng lẫy, đa sắc. Đây vốn là nơi các hoàng đế Khải Định, Bảo Đại tổ chức tiếp tân hay các sự kiện đặc biệt. Đáng tiếc là công trình này đã bị phá hủy vào tháng 2/1947.
Phía sau, ở hai bên là hai dãy nhà ngang dành cho gia nhân, người phục vụ, có cả chuồng để nuôi nhốt thú dữ như hổ, gấu, trăn… Sau cùng là vườn cảnh, hồ nước được bố trí rất thoáng và đăng đối theo kiểu phong cách vườn châu Âu.
Đúng 100 năm đã trôi qua với bao biến động dâu bể, nhưng may mắn thay, cung An Định vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn và đầu thế kỷ này công trình đã được trùng tu một cách bài bản với sự hỗ trợ của các chuyên gia về bảo tồn của Cộng hòa Liên bang Đức. Nội thất công trình cũng đã được nghiên cứu, trưng bày tái hiện không gian một biệt cung tiêu biểu của triều Nguyễn trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 gắn bó với các nhân vật lịch sử, những ông hoàng bà chúa cuối cùng của triều Nguyễn: vua Khải Định, vua Bảo Đại, hoàng tử Bảo Long, hoàng hậu Nam Phương, hoàng thái hậu Đoan Huy (tức bà Từ Cung)… Bởi vậy, cung An Định là một di sản quý, rất xứng đáng để du khách dành thời gian khám phá tìm hiểu khi đến thăm cố đô Huế.