25/04/2025 6:18:27 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
CHƯƠNG TRÌNH SỰ KIỆN GIỚI THIỆU SẢN PHẨM DỊCH VỤ THƯỞNG TRÀ HOÀNG CUNG
Buổi thưởng trà được tổ chức tại Di Nhiên Đường (Di Nhiên: Di dưỡng tự nhiên). Ngôi nhà Di Nhiên Đường cùng với Cẩm Xuân Đường, Hàm Xuân Hiên, Vĩnh Phương Hiên là các kiến trúc nằm trong vườn Thiệu Phương. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hợp tác Thương hiệu trà Đôi Dép. Hình thức thể hiện: Tái hiện hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần. Thời lượng: 40 phút

Tổ chức từ 20h00 các đêm 25, 26, 27 tháng 4 năm 2025

Địa điểm: Nhà Di Nhiên Đường, Thiệu Phương Viên, Đại Nội

Vườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của triều  Nguyễn. Vườn được xây dựng vào năm 1828, dưới thời vua Minh Mạng và nằm ở phía Đông bên trong Tử Cấm Thành. Vườn Thiệu Phương rộng khoảng 8.000m2, xung quanh vườn có xây tường gạch bao bọc. Vườn nổi tiếng với kiểu kiến trúc “Vạn Tự Hồi Lang”, tức là có hồi lang hình chữ “Vạn” nằm ở giữa vườn dẫn ra 4 phía và ở tại 4 góc của hồi lang này có xây 4 công trình. Nhà ở góc Tây Nam gọi là Di Nhiên Đường (mặt quay về hướng Nam). Hiên ở góc Đông Nam gọi là Vĩnh Phương Hiên (mặt quay về hướng Đông). Nhà ở góc Đông Bắc mang tên Cẩm Xuân Đường (mặt quay về hướng Bắc). Hiên ở góc Tây Bắc có tên là Hàm Xuân Hiên (mặt quay về hướng Tây). Trong vườn, ở phía Tây của “Vạn Tự Hồi Lang” có lạch nước chảy vắt ngang mang tên “Ngự Câu” thông ra hồ Ngọc Dịch ở phía Bắc bằng đường cống. Trên bờ phía Đông của lạch có đắp một hòn núi nhỏ, tên gọi là Trích Thuý Sơn.

Qua các biến cố thăng trầm của lịch sử, khu vườn dần bị bỏ hoang, thu hẹp. Đến thời vua Khải Định, các công trình chính của vườn đã bị huỷ hoại hoàn toàn và nằm trong tình trạng hoang phế. Bên cạnh đó, các công trình mới xuất hiện cũng làm thay đổi hầu hết kiến trúc xung quanh khu vực của di tích này.

Năm 2002, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ học, với dự án “Bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương”, đây là bước đầu khởi động cho việc đánh thức vườn Thiệu Phương sau một thời gian dài hoang phế. Hiện nay diện mạo vườn Thiệu Phương đã được phục hồi.

Sinh thời, các vị vua đầu triều như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thường xuyên đến khu vườn này để thưởng trà, tiêu dao thi phú. Trong các tập Ngự chế thi, các vị vua trên đã trước tác hằng trăm bài thơ về vườn Thiệu Phương cùng các kiến trúc, cảnh vật ở đây. Tại khu vườn này và vườn Cơ Hạ ở gần bên, nhiều sinh hoạt thi ca của vua cùng các quần thần đã diễn ra.

Vào năm 1844, vườn Thiệu Phương đã được vua Thiệu Trị xếp làm thắng cảnh thứ hai của đất Thần Kinh trong bộ thơ Ngự đề danh tắng đồ hội thi tập của nhà vua. gắn liền với bài thơ “Vĩnh Thiệu Phương Văn” và bức tranh kính (tranh gương) hiện còn trưng bày ở Bảo tang Cổ Vật Cung đình Huế.

Những thông tin lịch sử ấy là cơ sở để lựa chọn địa điểm tổ chức dịch vụ Ngự trà Hoàng cung tại vườn Thiệu Phương, cũng là cơ sở để đưa ra phương thức thực hiện dịch vụ thưởng trà bằng hình thức Tái hiện hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần.

Tổ chức tái hiện không gian:

Hiện nay việc tái hiện không gian chỉ dừng lại ở việc sử dụng các hiện vật hiện sẵn có:

+ Trưng bày các cặp câu đối do vua Thiệu Trị đề từ trong các bài thơ của mình theo hình thức câu đối trong cung xưa; trưng bày các bài thơ khảm xương (bài thơ Vũ trung sơn thuỷ - Non nước trong mưa - một bài thơ chơi chữ của vua Thiệu Trị, 56 chữ đọc được 64 bài; bài Mạn ca - khúc hát tản mạn - một bài thơ triết lý về cuộc đời của vua Tự Đức; bài thơ chữ Nôm Mừng đặng mưa - bài thơ bày tỏ niềm vui của vua Tự Đức khi cầu đảo được mưa, niềm vui về nông vụ; Bài thơ Tân thiều thí bút -Thử bút đầu năm của vuaThành Thái viết về cảnh sắc Thần Kinh thời tiết thuận và niềm hy vọng mùa màng bội thu);  

+ Trưng bày các bức thư pháp về thơ Thiền của các tác giả thời Trung đại (như Lý Thái Tông; Mãn Giác thiền sư, Tuệ Trung Thượng Sĩ; Nguyễn Phúc Chu; Hoàng đế Thiệu Trị; Nguyễn Du; Nguyễn Phúc Miên Thẩm);

+ Trưng bày 2 bức tranh gương Bình lãnh đăng cao (Đăng cao ở núi Ngự Bình) và Hương Giang hiểu phiếm (Buổi sớm đi thuyền qua Sông Hương) là những thắng cảnh của Kinh đô xưa do vua Thiệu Trị xếp hạng trong năm 1844. Các bức tranh này do ông Nguyễn Phước Hải Trung vẽ theo “ngôn ngữ tranh gương” trên cơ sở bản tranh khắc của Bộ Công triều Nguyễn in năm 1844.

+ Trưng bày một số chậu bonsai và những hiện vật khác.

(Khi vận hành chính thức, DOIDEP sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư lại hệ thống hiện vật, cảnh trí).

Tổ chức tái hiện hoạt cảnh:

          + Hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần và khách quan; trong khi dùng trà, nhà vua và các quan ngâm vịnh thi phú, cùng liên vận sáng tác một bài thơ thất ngôn bát cú đường luật nói về việc thưởng trà thời thái bình;

          + Nhà vua truyền đội nhạc công cùng ca công ngâm bài thơ do vua và các quan vừa sáng tác;

          + Nhân cao hứng, nhà vua mời các quan cùng các vị khách thưởng thức những bài bản nhã nhạc do các Nhạc quan vừa san định (tiểu nhạc Phú lục địch; múa cung đình Trình tường tập khánh; ca Huế Ngự Hương trà ngát hoàng cung).

Phú lục địch” là khúc tiểu nhạc phục vụ trong đời sống và sinh hoạt của chốn hoàng cung, được tấu lên trong các buổi yến tiệc của triều đình và tiếp đón sứ thần… Nhạc cụ Địch (tức là sáo) giữ vai trò chủ đạo được kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng cùng với một số nhạc cụ khác như: tam, tỳ, nhị, nguyệt, trống, sanh tiền… nên gọi là Phú lục địch. 

Trình tường tập khánh” là một điệu múa cung đình mang tính chúc tụng. Trong điệu múa, bốn vị tứ trụ Thiên thần thay mặt Ngọc hoàng thượng đế xuống trần chúc mừng sinh nhật nhà vua. Tay cầm 4 bức liễn với nội dung chúc tụng: Thiên tử trường thọ  / Sống lâu muôn tuổi / Bốn phương chúc mừng / Điềm lành dâng tiến.

Ngự Hương trà ngát hoàng cung” là bài ca Huế được sáng tác mới theo bài bản Phẩm Tuyết. Ngự Hương trà mang ý nghĩa là trà của nhà vua đồng thời cũng là trà của miền núi Ngự sông Hương đậm nét văn hoá Kinh kỳ.

+ Cuối cùng, nhà vua ban trà cho các quan và tặng trà cho các vị khách và tuyên bố buổi thưởng tà kết thúc (sau đó người tham dự tiếp tục trò chuyện và dạo chơi trong vườn Thiệu Phương).

          *

Đây là buổi ra mắt giới thiệu nội dung dịch vụ dự kiến thực hiện qua sự phối hợp giữa Trung tâm tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với Thương hiệu trà Đôi Dép. Sản phẩm có tính chất quảng bá bước đầu, nhiều vấn đề sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy mô hơn. Nhất là cải tạo lại toàn bộ nội dung hình thức cảnh trí của buổi thưởng trà theo hướng phù hợp và đẳng cấp…

Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế