10/18/2024 4:17:19 PM
view font
Đọc bài viết:
Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu (giai đoạn 1) - Đợt 1
Theo nội dung tại các Quyết định số 1847/QĐ-UBND ngày 03/08/2024; Quyết định số 3115/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 của UBND tỉnh; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1007/QĐ-UBND ngày 15/04/2024 của UBND tỉnh.

I. GIỚI THIỆU VỀ DỰ ÁN:

1. Tên dự án: Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu (giai đoạn 1) - Đợt 1.

2. Chủ đầu tư: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Địa chỉ: 23 Tống Duy Tân, thành phố Huế, Điện thoại: 0234 3 530751.

3. Đơn vị quản lý dự án: Ban Quản lý Dự án Di tích Cố đô Huế.

4. Nhà thầu thi công xây dựng: Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Trung ương - Vinaremon.

5. Đơn vị giám sát thi công xây dựng: Ban Tư vấn Bảo tồn Di tích Huế.

6. Loại, cấp công trình: Công trình văn hóa, cấp III.

7. Địa điểm xây dựng: Đại Nội, thành phố Huế; tỉnh Thừa Thiên Huế.

8. Mục tiêu dự án: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.

9. Phạm vi dự án: Khoảng 14.905 m2.

10. Quy mô, chỉ tiêu kỹ thuật:

a) Đối với công trình Thái Tổ Miếu hiện hữu: Tiến hành hạ giải, phân loại đánh giá và bảo quản, lưu giữ hiện vật thuộc công trình.

b) Di tích Thái Tổ Miếu (diện tích 1.917 m² (71m×27m)):

Hạ giải hệ thống lan can, tường móng mặt Nam, di chuyển toàn bộ hệ thống cây xanh và vật liệu không đúng vị trí, sai quy cách ra khỏi khu vực nền Thái Tổ Miếu, trang trí ô hộc lát đá Thanh bó vỉa khu vực Tiền Điện. Tu bổ, phục hồi các mặt tường móng xung quanh. Gia cố toàn bộ hệ thống chân táng, cân chỉnh hệ thống chân táng. Chống mối nền và đổ bê tông nền cho công trình.

c) Di tích Thái Miếu Môn (diện tích 54m²):

Gia cường nền móng, chống ẩm nền. Cân chỉnh và tu bổ phần nền, bậc cấp bên trong và bên ngoài cổng. Bóc tách phần vữa bị mủn mục, tô trát phục hồi bằng vữa tam hợp, bả màu hoàn thiện. Phục hồi hệ mái, phục hồi các hoạ tiết trang trí. Phục hồi hệ thống cửa bằng gỗ nhóm II, chống mối cho cấu kiện gỗ.

d) Bảo tồn, tu bổ, phục hồi hệ thống cổng và tường thành trong khu vực Thái Miếu bao gồm Diên Hy Môn, Quang Hy môn, Túc Tướng Môn, Hiển Thừa Môn, bao gồm:

- Diên Hy Môn và Quang Hy Môn (diện tích tổng thể 102m²): Cân chỉnh và tu bổ phần nền, bậc cấp bên trong và bên ngoài cổng; Bóc tách phần vữa bị mủn mục, tô trát phục hồi bằng vữa tam hợp, bả màu hoàn thiện theo kết quả phân tích màu; Phục hồi hệ mái, hệ cửa vách ván bằng gỗ nhóm II, phục hồi mái lợp ngói ống men vàng; Phục hồi các con giao, con giống và các họa tiết trang trí.

- Tu bổ tường ngăn từ Tây sang Đông nối Diên Hy môn, Bình phong, Quang Hy Môn (có chiều dài là 104 m): Gia cố, tu bổ các đoạn tường nứt, lún, tu bổ mũ tường, bả hoàn thiện màu theo kết quả khảo sát phân tích đánh giá hiện trạng công trình.

- Túc Tướng Môn và Hiển Thừa Môn (diện tích tổng thể 24 m²): Bảo quản và gia cường, phục hồi vật liệu lát phần nền móng; Tu bổ phần thân cổng: tu bổ, dặm vá các vị trí sứt mẻ, mất liên kết, tu bổ các chi tiết trang trí; Phục hồi cửa đi bằng gỗ nhóm II, sơn son truyền thống; Phục hồi phần mái và bờ mái; Phục hồi màu sắc tường theo kết quả phân tích màu.

đ) Bảo vệ vết tích nền (tổng diện tích 1.078 m²), bao gồm các công trình: Tả/Hữu Tùng Tự; Mục Tư Điện; Thổ Công Từ và Tuy Thành Các.

e) Sân, nền, đường đi (bao gồm hạ tầng kỹ thuật): Tu bổ, phục hồi sân nền, đường dạo. Lắp đặt hệ thống đường ống cấp điện, cấp thoát nước trong khu vực.

g) Hệ thống cây xanh, thảm cỏ: Quy hoạch và bảo tồn các cây cổ thụ hiện hữu; Tôn tạo cảnh quan, hệ thống cây xanh trong khu vực.

11. Tổng mức đầu tư: 52.000.000.000 đồng

12. Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách tỉnh.

13. Thời gian thực hiện: 1421 ngày.

- Ngày khởi công:                               16/10/2024.

- Ngày hoàn thành (dự kiến):              05/09/2028.

II. GIỚI THIỆU VỀ DI TÍCH:

Khu vực Thái Miếu nằm bên trong Kinh thành Huế, phía Đông Nam của Hoàng thành, với tổng diện tích 14.904,75 m2 (70,67 x 27,15m). Tổng thể khu vực Thái Miếu được bao quanh bằng hệ thống tường bao, tiếp cận vào bên trong với 5 cổng: Phía Nam là Thái Miếu Môn, phía Đông là Hiển Thừa Môn, phía Tây có Túc Tướng Môn và phía Bắc giáp với Triệu Miếu được thông bằng 2 cổng là Trường Hựu Môn và Nguyên Chỉ Môn. Bên trong khu vực Thái Miếu được chia làm 2 khu vực được thông nhau qua 2 cổng là Diên Hy Môn và Quang Hy Môn, khu vực phía Bắc có Thái Tổ Miếu, Chiêu Kính Điện, Mục Tư Điện, Long Đức Điện, Thổ Công Từ; phía Nam có Tả Tùng Tự, Hữu Tùng Tự. Thái Tổ Miếu là một trong năm khu vực thờ cúng quan trọng bậc nhất của Hoàng thành và có kích thước chiều dài công trình lớn nhất trong khu vực Hoàng thành với 13 gian 2 chái kép (tức là 17 gian) với chiều dài hơn 70m, là Miếu thờ của 9 vị Chúa Nguyễn.

Chức năng của Thái Miếu ban đầu là thờ cúng và tổ chức các ngày kỵ của các vị vua chúa tiền triều, tức các đời chúa Nguyễn, đây cũng là điểm đặc biệt của triều Nguyễn. Nhìn lại quá trình lịch sử có thể thấy di tích Thái Miếu đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm. Từ một cụm công trình thờ cúng quan trọng, uy nghiêm, to lớn bậc nhất trong Hoàng cung Huế dưới thời các vị vua Nguyễn, trở thành một khu vực gần như là “bình địa” sau cuộc chiến tranh năm 1947. Trong 5 miếu thờ được xây dựng trong Hoàng thành, Thái Miếu là ngôi miếu thờ được xây dựng sớm và lớn nhất. Do vậy, công trình kiến trúc này cần một cơ sở tham chiếu, cung cấp các số liệu khoa học quan trọng cho việc nghiên cứu hình thức, tỷ lệ kiến trúc, kết cấu của các công trình thuộc giai đoạn đầu của nhà Nguyễn, cũng như phục vụ công tác trùng tu, phục dựng các miếu thờ đã mất trong Hoàng thành.

Mặt khác, Thái Miếu còn là nơi bảo lưu các nghi lễ thờ tự của cả cụm di tích Thái Miếu - Triệu Miếu, có giá trị trong việc nghiên cứu tìm hiểu về việc thờ tự nói chung của các triều đại trước Việt Nam trước kia.

Tổng thể di tích là một tổ hợp kiến trúc khá lớn với 13 hạng mục công trình, được bố trí đúng theo nguyên tắc chung của kiến trúc triều Nguyễn. Trong đó, nhà chính Thái Miếu là ngôi nhà bằng gỗ to lớn nhất trong tất cả các cung điện được xây dựng dưới triều Nguyễn - Một công trình kiến trúc gỗ theo lối trùng thiềm điệp ốc. Nổi bật nhất của kiến trúc này là kết cấu chồng rường giả thủ. Thái Miếu là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc Huế và đậm nét kiến trúc dân tộc. Mặc dù phần lớn các công trình trong cụm di tích này đã bị phá hủy, nhưng căn cứ vào các miêu tả bằng chữ viết như đã dẫn chứng ở trên và hiện trạng nền móng đang còn tồn tại, công tác phục hồi được tiến hành sẽ tái hiện toàn bộ một miếu thờ quan trọng bậc nhất dưới triều Nguyễn, phục hồi một công trình to lớn và đẹp nhất như thời vàng son đã có.

Là một cụm công trình có bố cục kiến trúc đẹp, tiểu biểu cho các điện thờ nhà Nguyễn, khu vực Thái Miếu hoàn thiện sẽ phục dựng lại các nghi thức lễ tế, tái hiện lại một phần di sản phi vật thể đáng được lưu truyền và sẽ là hạt nhân trong việc khai thác du lịch của khu vực Thái Miếu – Triệu Miếu, vốn bị để ngỏ suốt thời gian dài do sự xuống cấp của các công trình, góp phần hoàn thiện tổng thể khu vực thờ cúng tổ tiên và khai thác du lịch trong khu vực Hoàng thành. Tuy nhiên phạm vi dự án Đợt 1- giai đoạn 1 này chủ yếu tập trung đầu tư vào các công trình đang xuống cấp nặng có thể sập đổ bất cứ lúc nào và ưu tiên xoá bỏ không gian hoang phế trong khu vực Hoàng thành, nhất là khu vực tôn nghiêm như Thái Miếu, Dự án hoàn thành trong đợt này sẽ là 1 điểm tham quan về cảnh quan và quy mô của công trình Thái Tổ Miếu sẽ được phục dựng trong một tương lai gần.

Việc tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thái Tổ Miếu nhằm hoàn trả nguyên vẹn không gian thờ tự được xếp vào hàng Đại tự, nơi thờ cúng các vị Chúa Nguyễn. Qua đó, từng bước hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc, cảnh quan, văn hóa của Thái Miếu, là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Với lịch sử hình thành và tu bổ qua các thời kỳ nêu trên di tích Thái Miếu nổi bật với những giá trị văn hoá, khoa học, kiến trúc nghệ thuật nổi bật, sau khi đủ điều kiện phục hồi tổng thể di tích Thái Miếu, tái thiết lại quy mô như năm 1913, đây sẽ là một địa điểm tôn nghiêm, một di tích với nhiều giá trị bậc nhất trong Quần thể di tích Cố đô Huế đã dược UNESCO công nhận năm 1993 và là một điểm sáng phát huy những giá trị di tích mà không có nơi nào có được./.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế