TRÀ CUNG ĐÌNH: Trà Thảo mộc dưỡng sinh là dạng Phương trà bao gồm một hay nhiều loại thảo dược bào chế và sử dụng giống như trà uống hàng ngày.
Dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide) là ứng dụng công nghệ điện tử hỗ trợ tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm.
Những hình ảnh của kinh thành thời Nguyễn được hiện ra đầy đủ, rõ nét sinh động cùng với những hoạt động, nghi thức hàng ngày trong hoàng cung hàng trăm năm trước.
Bên trong Hoàng cung Huế có tổ chức chụp ảnh lưu niệm cho du khách tham quan dưới trang phục thái thượng hoàng, vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và cung phi.
Để tạo điều kiện cho du khách có cơ hội tham quan khu vực xung quanh Đại Nội và tất cả các điểm du lịch bên trong Đại Nội mà không mất nhiều thời gian.
Du khách có thể liên hệ trực tiếp để đăng ký chương trình tham quan có hướng dẫn đi cùng, du khách có thể liên hệ hướng dẫn ngay tại các điểm di tích.
Được xem là nơi lưu giữ nhiều cổ vật cung đình triều Nguyễn (1802-1945) nhất Việt Nam, Bảo tàng CVCĐ Huế không chỉ là “cái kho di sản”, hiện quản lý hơn 11.000 hiện vật với các sưu tập tiêu biểu như: trang phục cung đình, đồ sứ ngự dụng, đồ tự khí, đồ gỗ trang trí nội thất, các vật dụng dùng trong sinh hoạt và lễ nghi với nhiều chất liệu khác nhau (vàng, bạc, đồng, xương, ngà, pháp lam, gốm, sứ, gỗ, vải, giấy, …); phản ánh trọn vẹn đời sống vật chất, lễ nghi chính trị và tư tưởng của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn. Bên cạnh đó, với chức năng phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục, bảo tàng còn là nơi kết nối giữa quá khứ - hiện tại và hướng đến tương lai: Từ Musée Khai Dinh (1923) đến Bảo tàng CVCĐ Huế (ngày nay), bảo tàng luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, giới nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến tham quan, học hỏi; là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của cộng đồng hay hoạt động “giáo dục di sản học đường”; đảm nhiệm tốt vai trò là một “thiết chế văn hóa” và là “hạ tầng lịch sử, văn hóa, xã hội”.
Thể hiện tích cực vai trò của Bảo tàng CVCĐ Huế xét trong mối tương quan với các di tích trong Quần thể Di tích Cố đô Huế (QTDTCĐ Huế - quần thể)
Là nơi bảo quản và phát huy giá trị kho cổ vật đồ sộ, xét trên mối quan hệ tương hỗ với các di tích thuộc QTDTCĐ Huế, bảo tàng được xem là nơi lưu giữ “phần hồn” của di sản, là minh chứng chính xác và sinh động nhất cho sự tồn tại của triều Nguyễn (1802-1945) - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Là đơn vị hành chính sự nghiệp cấp 2, trực thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế / Trung tâm), với vai trò của mình, bảo tàng không chỉ chịu trách nhiệm trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng, truyền thông, hay trưng bày trong phạm vi bảo tàng mà còn góp phần đề xuất, hỗ trợ, phối hợp tất cả các hoạt động trên trong toàn hệ thống di tích do trung tâm quản lý. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là công cuộc bảo tồn thích ứng và phát huy giá trị di sản trong quần thể Di tích Cố đô Huế, chẳng hạn như gần đây nhất là việc đưa không gian Tế Tửu trở thành nơi trưng bày triển lãm chuyên đề về “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” cuối năm 2022 đầu năm 2023, tạo thêm 1 điểm đến phục vụ khách tham quan trong khuôn viên bảo tàng. Hay rộng hơn, đó là việc đảm nhận trọng trách trong việc hoàn thành và đổi mới không gian trưng bày ở tất cả các điểm thuộc quần thể phù hợp với đặc điểm riêng của từng di tích theo từng chủ điểm/ nội dung theo hướng thích nghi và khoa học; tạo những bảo tàng thu nhỏ hay “vệ tinh” của bảo tàng, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu ngày càng cao của du khách, góp phần phát huy giá trị di sản nói chung.
Hoàn thành tốt các chức năng mà bảo tàng đảm nhiệm
Chức năng sưu tầm hiện vật
Công tác xã hội hoá các hoạt động của bảo tàng, trong đó có hoạt động sưu tầm, tìm kiếm nguồn hiện vật, huy động sự tham gia đông đảo của các cá nhân, tổ chức hiến tặng hiện vật, bổ sung vào nguồn cổ vật là một hoạt động có ý nghĩa, góp phần tích cực trong công cuộc bảo tồn di sản văn hoá dân tộc trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho hoạt động tìm kiếm nguồn hiện vật còn hạn hẹp. Điều này cũng thể hiện sự tin tưởng và ưu ái của các cá nhân, tổ chức trong việc đặt trọn niềm tin cho Bảo tàng CVCĐ Huế với sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá cội nguồn dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay.
Từ năm 1998 đến nay, Bảo tàng CVCĐ Huế đã tiếp nhận trên 500 đơn vị hiện vật hiến tặng với sự phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, khác nhau về niên đại… Gần đây nhất, tiêu biểu phải kể đến sự hồi hương của hai cổ vật “Mũ quan đại thần và áo nhật bình triều Nguyễn” do tập đoàn Sunshine đấu giá thành công tại Tây Ban Nha cuối tháng 10/2021 và hiến tặng cho bảo tàng. Sau đó, ngày 19/4/2023, bảo tàng đã tổ chức lễ tiếp nhận hơn 30 hiện vật hiến tặng đồng thời khai mạc triển lãm “Sách cổ hiến tặng và giới thiệu tác phẩm Ngự chế minh văn Cổ khí đồ của vua Minh Mạng” nhân ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam.
Hoạt động hiến tặng hiện vật không chỉ thể hiện tình yêu với truyền thống lịch sử, văn hoá nước nhà, với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đến từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; điều này còn thể hiện ý nghĩa “châu về hợp phố” của một số vật báu do chính hậu duệ của vương triều hiến tặng, là những minh chứng xác thực, cung cấp và bổ sung đến công chúng đương đại nhiều thông tin bổ ích. Điển hình, với những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là lãnh đạo Trung tâm BTDTCĐ Huế, Bảo tàng CVCĐ Huế đã tổ chức tiếp nhận và khai mạc không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” vào chiều ngày 10/01/2023. Triển lãm không chỉ giới thiệu về các tư liệu, hình ảnh, các tác phẩm nghệ thuật vốn được đề cập trong sử liệu, sách báo, mang đến cho công chúng những thông tin giá trị về cuộc đời và sự nghiệp của vị vua thứ 8 vương triều Nguyễn từ khi lên ngôi và trong giai đoạn chống Pháp, ngoài ra, thông qua một số kỷ vật (điển hình nhất là chiếc ống điếu) do bà Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi hiến tặng, công chúng còn có cơ hội tiếp cận với những câu chuyện kể chân thực nhất về cựu hoàng trong thời gian sống lưu đày ở Algiers.
Chức năng nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học được xem là nghiệp vụ nền tảng và là động lực thúc đẩy các hoạt động khác trong công tác chuyên môn của Bảo tàng CVCĐ Huế. Kết quả nghiên cứu khoa học là cơ sở hình thành nội dung cho các cuộc trưng bày triển lãm; đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho công tác hướng dẫn thuyết minh; là cơ sở lý luận cho công tác bảo quản, trị liệu hiện vật…
Bộ sách Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (trước đây là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế), phát hành từ năm 1997 - 2008 gồm 06 tập, mỗi tập là một chuyên đề giới thiệu những sưu tập, cổ vật đặc sắc đang được trưng bày và lưu giữ tại bảo tàng. Nối tiếp truyền thống những thành quả đã đạt được, từ năm 2015 đến nay, bảo tàng tiếp tục cho ra đời các sản phẩm: Bảo tàng CVCĐ Huế tập VII (Văn hoá cung đình Huế qua góc nhìn cổ vật - xuất bản năm 2015); tập VIII (những vấn đề chung, giới thiệu cổ vật, trao đổi nghiệp vụ, thông tin tư liệu- xuất bản năm 2016); tập IX (Đồ Gốm sứ châu Âu tại Bảo tàng CVCĐ Huế - xuất bản năm 2018); Bảo vật quốc gia thời Nguyễn tại Huế (xuất bản năm 2020);… Đây được xem là thành quả nghiên cứu nguồn cổ vật trong bảo tàng cũng như những vấn đề liên quan đến ngành bảo tàng học trong nước và quốc tế, liên hệ trực tiếp đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung. Tuy những kết quả nghiên cứu này không chỉ gói gọn trong phạm vi đơn vị thực hiện độc lập mà nó còn là sự hợp tác có hiệu quả với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Có thể thấy rằng, những thành quả trên lĩnh vực nghiên cứu của bảo tàng đã và đang được khẳng định một cách hiệu quả.
Chức năng trưng bày
Trưng bày có thể xem là dạng thức, là “phương tiện truyền thông của ý nghĩa”, chuyển tải thông điệp, thông tin và hình ảnh, giá trị cụ thể của bảo tàng thông qua hiện vật chuyển giao đến công chúng. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thông tin vào công tác trưng bày tại Bảo tàng CVCĐ Huế đã được tiến hành có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải các nội dung, thông điệp từ những câu chuyện lịch sử đến với công chúng một cách hấp dẫn hơn và phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan.
Bảo tàng thường xuyên thực hiện các cuộc trưng bày triển lãm để quảng bá giới thiệu hình ảnh di sản văn hóa Huế cũng như nâng cao chất lượng phục vụ du khách, hưởng ứng các lễ kỷ niệm lớn của đất nước, tiêu biểu như việc phối kết hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, IV, bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, các nghệ nhân… tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm ở bảo tàng và Đại Nội; thực hiện các cuộc trưng bày theo chuyên đề vào các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn trong nước và quốc tế; chỉnh lý trưng bày ở các lăng, khu vực Đại Nội…
Chức năng quản lý kho, bảo quản, lưu giữ hiện vật
Đây là lĩnh vực trọng yếu của bảo tàng, đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù. Đội ngũ cán bộ quản lý Kho của bảo tàng đã có rất nhiều nỗ lực, đáp ứng yêu cầu công tác của đơn vị, với một số công việc trọng điểm như sau: Bảo quản, quản lý hồ sơ và các dữ liệu hiện vật của bảo tàng và các điểm di tích thuộc Trung tâm BTDT Cố đô Huế đúng quy trình, thực hiện nghiêm túc đúng quy chế bảo mật do Trung tâm và nhà nước quy định; vệ sinh, bảo quản, phòng ngừa, trị liệu các hiện vật đang trưng bày tại bảo tàng, các điểm di tích và lưu giữ tại kho và các điểm di tích; quản lý xuất, nhập, bàn giao, đóng gói di chuyển hiện vật phục vụ công tác trưng bày tại bảo tàng cũng như các điểm thuộc quần thể di tích hay các cuộc trưng bày lưu động đúng quy trình, thủ tục; chỉnh lý nội dung, bổ sung thông tin hiện vật, thực hiện từng bước công tác số hoá hiện vật; lập danh mục và lập hồ sơ đăng ký hiện vật; triển khai chương trình nghiên cứu các sưu tập, các hiện vật phục vụ công tác phục dựng, tu sửa hiện vật tại bảo tàng, tại các điểm di tích.
Chức năng truyền thông và giáo dục
Nắm bắt xu thế tất yếu của thời đại phát triển khoa học và công nghệ hiện nay, Bảo tàng CVCĐ Huế xem và sử dụng truyền thông là công cụ hữu hiệu giúp truyền đạt thông tin và chuyển tải hình ảnh của bảo tàng đến khách tham quan một cách nhanh chóng, hiệu quả, từ đó thu hút đông đảo công chúng quan tâm, tìm hiểu, góp phần kích thích thị hiếu của công chúng đến với bảo tàng. Công tác thuyết minh hướng dẫn đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông. Bảo tàng CVCĐ Huế là một bảo tàng chuyên ngành đặc biệt chịu trách nhiệm “thổi hồn” cho các công trình di sản kiến trúc, do đó bên cạnh công tác xây dựng các nội dung trưng bày triển lãm có ý nghĩa và phù hợp với các công trình kiến trúc, Bảo tàng còn chịu trách nhiệm thuyết minh giới thiệu về lịch sử, kiến trúc và các hiện vật cho du khách tại hai điểm chính mà bảo tàng phụ trách: Bảo tàng [03 Lê Trực] (điện Long An, phòng Chàm, nhà Tế Tửu) và cung An Định. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2022, ở hai điểm bảo tàng và cung An Định đã đón tiếp và phục vụ 108.234 lượt khách (trong đó: 95.602 lượt khách Việt Nam, 12.632 lượt khách nước ngoài) (4).
Hoạt động truyền thông của Bảo tàng CVCĐ Huế không chỉ gói gọn ở vai trò của người thuyết minh, hướng dẫn tại điểm mà điều này còn thể hiện thành quả tổng hợp từ các chức năng khác của bảo tàng như kết quả nghiên cứu, lưu giữ, bảo quản, hoạt động trưng bày, hình ảnh /nét đẹp lao động của các cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia phục vụ khách tham quan… Có thể khẳng định rằng, truyền thông góp phần xây dựng thương hiệu bảo tàng; đưa hình ảnh/ quảng bá hình ảnh của bảo tàng đến với công chúng; cung cấp thông tin chính xác, khoa học; kết nối, tăng tương tác giữa bảo tàng và cộng đồng; hay cả chức năng giáo dục/ phát huy giá trị di sản.
Bảo tàng CVCĐ Huế không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, bảo lưu những giá trị văn hoá mà bảo tàng cũng đã làm tốt vai trò của mình trong việc gắn kết cộng đồng và xã hội. Thông qua chương trình “Giáo dục di sản học đường”, Bảo tàng CVCĐ Huế còn là điểm đến để mở rộng sự hiểu biết, trải nghiệm, cảm nhận những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc dành cho các thế hệ học sinh trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Từ năm 2008 đến hết năm 2019, bảo tàng đã đón hơn 25.000 lượt học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm. Trong thời gian đại dịch Covid từ 2020 đến tháng 8. 2022 chương trình tạm hoãn. Đến tháng 9/2022, chương trình được tái khởi động. Tính riêng trong năm 2022, bảo tàng đã tổ chức 17 chương trình “Giáo dục di sản học đường” dành cho khoảng 1.500 học sinh Tiểu học và Trung học Cơ sở trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và một số trường ngoại tỉnh. Ngoài ra, bảo tàng còn là địa chỉ đáng tin cậy dành cho các sinh viên thực tập cuối khoá hỗ trợ các em tích lũy kinh nghiệm phục vụ công tác sau khi ra trường. Trong năm 2022, bảo tàng đã tiếp nhận và hướng dẫn 23 sinh viên các ngành liên quan đến thực tập tại bảo tàng, trong đó, đã có 01 sinh viên được tuyển dụng thông qua Hội đồng tuyển dụng của Trung tâm, bổ sung nguồn nhân sự cho bảo tàng. Đây là những kết quả đáng ghi nhận.
Thay lời kết
Là đơn vị cấp 2 trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong công tác cũng như việc phối hợp trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Bảo tàng CVCĐ Huế đã không ngừng vận động, nâng cao chất lượng hoạt động, vượt qua mọi thử thách, luôn nỗ lực để xứng đáng với giải thưởng “Bảo tàng được yêu thích nhất Việt Nam năm 2015” (do Hiệp hội du lịch Việt Nam bình chọn và trao tặng năm 2016). Trong xu thế 4.0 hiện nay, nhất là kể từ sau đại dịch Covid 19, để hoạt động có hiệu quả, phù hợp bối cảnh mới, bảo tàng đã tích cực thay đổi ở nhiều khía cạnh, xây dựng chiến lược hoạt động như công tác xã hội hoá bảo tàng; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, trưng bày, thuyết minh, truyền thông, bảo quản; thường xuyên chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; để Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế không chỉ là điểm đến độc đáo và thu hút đối với du khách có dịp ghé thăm Cố đô Huế; mà trên hết, để bảo tàng luôn tồn tại và phát triển bền vững với những giá trị vốn có từ lịch sử 100 năm hình thành và phát triển, là một trong những bảo tàng đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.