22/08/2024 5:25:10 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
HỘI THẢO QUỐC TẾ: Tái thiết và phát triển không gian Bảo tàng trong lòng di sản
Ngày 22/08/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc tổ chức Hội thảo với chủ đề Tái thiết và phát triển không gian bảo tàng trong lòng di sản. Hội thảo với sự tham gia của đại diện: Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Trung tâm Xây dựng Công cộng Quốc gia Hàn Quốc; Bảo tàng Đà Nẵng; Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng; Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Viện Quy hoạch Thừa Thiên Huế.

Với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tiến tới việc hợp tác phát tư vấn quy hoạch thiết kế, tái thiết và phát triển không gian bảo tàng trên nền tảng cũ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Hội thảo là dịp để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lắng nghe các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản văn hoá, từ đó làm cơ sở cho việc nghiên cứu lập đề cương trưng bày bảo tàng cũng như tiến hành các thủ tục xây dựng một bảo tàng xứng tầm với vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá như Thừa Thiên Huế.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là tên hiện hành của Musée Khải Định, một bảo tàng được thành lập từ năm 1923. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, có chức năng tham mưu cho Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ đạo, quản lý, điều hành các mặt công tác: sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày hiện vật tại Bảo tàng và các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ, quản lý và bảo quản các hiện vật ở các điểm di tích phản ánh đời sống và sinh hoạt của triều Nguyễn, trong đó có 08 hiện vật/bộ hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Các hiện vật được phân chia thành 12 sưu tập theo nhóm chất liệu.

Toà nhà trưng bày chính của Bảo tàng là điện Long An, được đánh giá là một trong những ngôi điện đẹp nhất được xây dựng dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên, với diện tích khoảng hơn 1.200m2, bảo tàng hiện tại không đủ diện tích cần thiết để trưng bày. Hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chỉ trưng bày khoảng 500 hiện vật.

Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 3.2023, tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sau khi dành thời gian thị sát tại Bảo tàng, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh về chủ trương xây dựng khu vực trưng bày mới cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế theo hướng phù hợp với không gian di sản, việc trưng bày phải đạt được tính hấp dẫn, hiện đại.

Hội thảo đã được nghe 5 tham luận của: TS. Reigh Young Bum, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc; KTS. Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế; ThS.KTS Um Woon Jin, Giám đốc Trung tâm Xây dựng Công cộng Quốc gia Hàn Quốc/Nghiên cứu viên liên kết của AURI; Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng; ThS.KTS Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo đã trao đổi các vấn đề liên quan đến ý tưởng, kinh nghiệm trong việc tái thiết và phát triển không gian bảo tàng trong lòng di sản. Các chuyên gia đến Hàn quốc, thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng hết sức quý báu trong việc xác định ý tưởng, thiết kế, quy trình thi tuyển kiến trúc xây dựng các bảo tàng mới có quy mô đa chức năng, hiện đại nhưng vẫn mang được những đặc trưng kiến trúc truyền thống riêng biệt. Đây là những ý tưởng, kinh nghiệm hết sức bổ ích đối với công tác tái thiết và phát triển không gian của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trên cơ sở Đề cương trưng bày Bảo tàng trong giai đoạn hiện nay.

Thay mặt Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin trân trọng cám ơn những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của quý vị. Hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của quý vị để Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, sau khi hoàn thành việc tái thiết sẽ phát huy được giá trị của mình; trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá đặc sắc của cộng đồng dân cư, là điểm đến quan trọng, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn – gìn giữ các bản sắc riêng biệt của Di sản Văn hóa Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>