Cách đây vừa tròn 7 năm (19/5/2016-19/5/2023), Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế được vinh danh là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế “với những giá trị toàn cầu đặc biệt của một tài sản văn hoá…để được bảo vệ vì lợi ích nhân loại” đã được Hội đồng Uỷ ban Di sản thế giới thuộc UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới - đây là Di sản văn hoá thế giới đầu tiên của Việt Nam được công nhận.
Sau đó hơn hai thập kỷ, cách đây vừa tròn 7 năm (19/5/2016-19/5/2023), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế tiếp tục được vinh danh là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Có thể khẳng định rằng, đây là một “hình thái di sản đặc biệt” - là “Di sản trong di sản” “Bởi đây là hệ thống văn tự được chạm, khảm, cẩn, viết, vẽ trực tiếp lên các công trình kiến trúc cung đình do triều Nguyễn xây dựng tại Kinh đô Huế mà bản thân các kiến trúc này đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt của Việt Nam (2009), Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO (1993)” (1)
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là hệ thống những áng thơ văn tinh tuý tuyển chọn từ các sáng tác của các vị vua, thân vương, quan lại dưới triều Nguyễn; được chạm, khắc, khảm cẩn, tráng men, đắp nổi…; được thể hiện trên nhiều loại hình chất liệu: gỗ, tráng men pháp lam, đắp ngoã sành sứ; trang trí trên các công trình kiến trúc: Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, lăng vua Minh Mạng, điện Long An, lăng vua Thiệu Trị, lăng vua Dục Đức, lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Khải Định, cung An Định.
Thơ văn cùng với các hoạ tiết được trang trí được xem là “phần hồn của công trình kiến trúc cung đình, là sự hiện hữu các giá trị văn hoá phi vật thể trên một di sản văn hoá vật thể”, (2) là một nghệ thuật trang trí đặc trưng gắn liền với các công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Huế. Đây thực sự là những di sản tư liệu độc đáo, quý hiếm; là những bản gốc, duy nhất hiện còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bật toàn cầu, chưa thấy xuất hiện ở nơi khác trên thế giới. Đây được xem như những “bảo tàng” sống động, riêng có về văn chương thời Nguyễn; là kho tàng văn hoá vô giá; là một kiểu thức trang trí độc đáo và dạng thức lưu trữ đặc biệt; là sự kết tinh của các giá trị mỹ thuật, kỹ thuật trang trí, nghệ thuật thư pháp và kỹ xảo nghề truyền thống.
Với số lượng vô cùng phong phú (theo thống kê hiện nay có tổng số hơn hai ngàn ô thơ văn) (3) , thơ văn trên kiến trúc cung đình được trang trí theo kiểu thức “nhất thi nhất hoạ, nhất tự nhất hoạ”(xen kẽ một ơ thơ hoặc 1 đại tự đi liền với một bức hoạ), trên ô hộc trên liên ba, đố bản, vách ngăn hay đắp nổi bài văn ngự chế… Tuy có những khác biệt đáng kể, nhưng tựu trung, thơ văn được trang trí trên kiến trúc cung đình Huế thể hiện chủ đề tư tưởng “khẳng định một chế độ quân chủ với những đổi mới về chính trị xã hội, khẳng định nền văn hoá dân tộc, ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, cảnh đẹp của đất nước, bày tỏ sự quan tâm đến đời sống của dân chúng, ước mơ đất nước thái bình, trăm họ yên vui”.(4)
Tài liệu tham khảo
- (1) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (2021), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nxb.Thuận Hoá, tr. 7.
- (2) Nguyễn Thế Sơn (2013), Một số vấn đề hiện nay của công tác bảo tồn, phục hồi nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình Huế, Công cuộc bảo tồn di sản ở Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế xb, tr.263.
- (3) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (2021), sđ d, tr. 8.
- (4) Nguyễn Phước Hải Trung (2020), Chơi chữ, một giá trị đỉnh cao trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế, http://Tạp chí Sông Hương.com.vn. Cập nhật ngày 14/5/2023.