05/04/2022 8:57:39 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Các hoạt động trưng bày, triển lãm nhân dịp Quốc khánh 2/9
Các triều đại Việt Nam luôn đề cao tinh thần tự tôn dân tộc, niềm tự hào đối với giang sơn, xã tắc và sự khẳng định nền độc lập, tự chủ của đất nước. Ngay từ khi mới thiết lập triều đại, các Hoàng đế triều Nguyễn đã có ý thức khẳng định quan điểm ấy và thể hiện rõ trong những áng thơ chạm khắc trên trên điện Thái Hòa - trung tâm hành chính của đất nước, một trong những biểu trưng về uy quyền của triều đại.

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2015) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015), nằm trong các hoạt động của “Tuần lễ Vàng Du lịch tại Di sản Huế” (đợt 3 năm 2015), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu triển lãm :

“Tinh thần tự tôn dân tộc trong thơ trên điện Thái Hòa”

(từ ngày 2/9/2015 đến 31/12/2015)

- Thời gian khai mạc: 8 giờ 00 ngày 2/9/2015

- Địa điểm: Trường lang Tử Cấm Thành (khu vực hai bên nền điện Cần Chánh, Đại Nội Huế).

Triển lãm sẽ giới thiệu 34 bài thơ tiêu biểu ở điện Thái Hòa, tập trung vào các chủ đề như tự hào về những truyền thống văn hóa của dân tộc; ca ngợi cảnh thái bình, thống nhất, thịnh trị; đề cao sự hùng mạnh của đất nước; tự hào về chế độ với những điển chương, điển chế quy củ v.v.

Có thể khẳng định thơ chạm khắc trên điện Thái Hòa nói riêng cũng như các di tích triều Nguyễn nói chung là sự độc đáo của một lối trang trí kiến trúc được hình thành và phát triển mang nét đặc trưng riêng của ngôn ngữ thẩm mỹ triều Nguyễn, thể hiện giá trị mang tính đỉnh cao.

Điện Thái Hoà được xây dựng vào năm 1805 dùng làm nơi tổ chức các cuộc thiết đại triều như lễ Đăng quang, lễ Vạn thọ, lễ Tứ tuần đại khánh tiết, lễ Ngũ tuần đại khánh tiết, lễ Hưng quốc khánh niệm v.v. của triều Nguyễn (1802-1945). Đây là ngôi điện được trang trí lộng lẫy với các dạng thức qua một số loại hình chất liệu khác nhau. Đặc biệt, ở các liên ba (ở nội thất, ngoại thất điện); ở bờ nóc, cổ diềm (ở ngoại thất điện), có đến 297 ô hộc khắc chạm chữ Hán, đây là những bài thơ, câu đối.

Cũng nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm:

"Một số tư liệu về Tiến sĩ Việt Nam dưới các triều đại phong kiến"

(từ ngày 29/8/2015 đến 31/10/2015)

Thời gian khai mạc: 8 giờ 00 ngày 29/8/2015

Địa điểm: Trường lang Tử Cấm Thành (gần khu vực Thái Bình Lâu, Đại Nội Huế).

Thông qua các ảnh tư liệu về bằng Tiến sĩ, sắc phong quan chức cho các Tiến sĩ, các Nho sinh đỗ Tam trường, Tứ trường, sắc phong tước hiệu cho gia đình các Tiến sĩ, và một số tài liệu khác liên quan đến Tiến sĩ và các dòng họ khoa bảng ở Việt Nam, triển lãm sẽ giới thiệu đến đông đảo công chúng một cách nhìn trân trọng đối với vấn đề khoa cử, học vấn dưới thời quân chủ. Hoạt động này cũng nhằm cổ vũ giới trẻ, khuyến khích các em tiếp tục truyền thống hiếu học của cha ông, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để đưa đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ từng căn dặn vào ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây vừa tròn 70 năm (năm 1945).

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế