05/04/2022 10:01:11 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
KHAI MẠC KHÔNG GIAN “LÀNG BÁT TRÀNG GIỮA LÒNG CỐ ĐÔ” (tại Phủ Nội Vụ, Đại Nội, Huế )
Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với làng Bát Tràng tổ chức khai trương Không gian “Làng Bát Tràng giữa lòng cố đô” tại Phủ Nội Vụ vào chiều 11.4.2014. Đến tham dự khai mạc có ông Trương Minh Tuấn, Thứ Trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông; ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2014; ông Phan Công Tuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Ca dao cổ ở đồng bằng Bắc bộ có câu:

“Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây

Tên gọi Bát Tràng là tên của một ngôi làng cổ ở Bắc bộ cũng là tên gọi của một loại gạch. Bát Tràng là loại gạch hình vuông, mỗi chiều khoảng 30cm, dày khoảng 7,8 cm, màu xám, rất nặng được nung trong “lò bầu” xưa với nhiệt độ lên khoảng 1250 độ.

Thời xưa, ở miền Bắc, ngoài những công trình công cộng, sân nhà ai lát sân gạch Bát Tràng nếu không phải là nhà quyền qúy thì cũng phải là nhà khá giả. Ở miền Trung, gạch Bát Tràng còn ghi dấu ấn rất sâu đậm đối với toàn bộ kiến trúc cố đô Huế. Hầu hết nền nhà, sân và các đường đi tại các công trình kiến trúc ở Kinh đô Huế đều được lát gạch Bát Tràng.

Năm 1860, khi nhà Nguyễn xây thành Hà Nội, không kịp sản xuất gạch, vì nghĩa lớn dân làng Bát Tràng đã cạy gạch ở sân đình dâng nộp cho triều đình. Do đó, cảm động trước nghĩa cử này, vua Tự Đức đã ban tặng bức hoành phi với bốn đại tự “Hiếu nghĩa cấp cônghiện vẫn treo trang trọng trong toà Đại bái giữa đình làng.

Làng Bát Tràng đã có trên 700 năm lịch sử làm gốm sứ. Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện... và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu. Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp nơi về sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...

Trong những năm gần đây, một số nghệ nhân Bát Tràng đã bỏ nhiều tâm huyết để làm ra các sản phẩm phù hợp, nhất là phục chế hiện vật, góp phần phát huy giá trị các di sản văn hóa Huế. Và họ đã trở thành chiếc cầu nối giữa các cơ quan quản lý văn hóa với nhân dân làng gốm. Cuộc triển lãm không gian tôn vinh nghề “Làng Bát Tràng giữa lòng Cố đô” tại Festival Huế 2014 lần này là kết quả của các dịp hợp tác như thế.

Tại không gian này, các nghệ nhân ưu tú của làng Bát Tràng đã đưa đến trưng bày gần 400 tác phẩm tiêu biểu cho các dòng gốm, kỹ thuật gốm khác nhau của Bát Tràng.

Tại không gian này, hàng ngày du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng kỹ thuật tay nghề của các nghệ nhân, thợ giỏi qua hoạt động trình diễn nghề.

Tại không gian này, hàng ngày du khách và các cháu thiếu nhi có thể tương tác cùng các nghệ nhân, thợ giỏi qua hoạt động vuốt gốm, nặn gốm, tô tượng.

Cũng tại không gian này, vào hai đêm 15.4 và 19.4 trong chương trình Đêm Hoàng Cung sẽ có hoạt cảnh “Lễ tiến gạch vào cung” như một lời tri ân người xưa đã sáng tạo ra một loại gạch góp phần làm nên các không gian kiến trúc Kinh đô.

Và cũng tại không gian này, ngày 19.4 sẽ có lễ thếp vàng pho tượng gốm Phật Hoàng Trần Nhân Tông và cung thỉnh lên Trúc Lâm  thiền viện.

Không gian “làng Bát Tràng giữa lòng cố đô” hy vọng sẽ trở thành một điểm đến lý thú của Festival Huế 2014.  

Hải Trung