05/04/2022 9:53:16 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Khai mạc triển lãm “ĐẠI LỄ PHỤC VIỆT NAM DƯỚI THỜI NGUYỄN (1802-1945)”
Sáng ngày 11/04/2014, tại Trung Tâm Phật Giáo Liễu Quán-Huế đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm tranh chủ đề “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945)” của hoạ sĩ Nguyễn Văn Nhân dưới sự phối hợp của nhà nghiên cứu văn hoá Trần Đình Sơn, Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế và Trung Tâm Phật Giáo Liễu Quán Huế (15A Lê Lợi-Huế).
Tại buổi khai mạc, sau nghi thức cắt băng khánh thành, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã giới thiệu sơ lược về hoạ sĩ Nguyễn Văn Nhân, tầm quan trọng của bộ tranh “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945)”, cũng như giải thích về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của từng bức tranh bộ sưu tập.

Nguyễn Văn Nhân là một hoạ sĩ và là một học giả uyên bác của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Cho đến nay thông tin về ông chưa thật sự phong phú. Chúng ta chỉ biết đến ông qua bộ sưu tập Grande tenue de la Cour d’Annam/ par Nguyễn Văn Nhân/ Biên-tu du Hàn-lâm en disponibilité/ Hué. Decembre 1902 (tác giả bộ tranh là Nguyễn Văn Nhân, biên tu Hàn lâm viện của triều Nguyễn, tranh vẽ tại Huế năm 1902”. Bộ tranh này gồm 54 bức được vẽ bằng màu nước hết sức sống động. Một số bức có chú thích bằng chữ Hán và chữ Pháp về chức tước và phẩm hàm của những nhân vật được vẽ. Tranh được tác giả Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế tháng 12-1902, đúng 100 năm sau ngày triều Nguyễn được thiết lập.

Cuộc triển lãm với tên gọi “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945)” của nhà nghiên cứu văn hoá Trần Đình Sơn giới thiệu một cách chọn lọc các tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Văn Nhân về những trang phục dùng trong các nghi lễ quan trọng của triều Nguyễn. «Với “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945)”, chúng tôi mong muốn góp một phần nhỏ trong việc giới thiệu đến giới nghiên cứu-bảo tồn văn hoá  Huế nói riêng và công chúng nói chung những hình ảnh về một thời vàng son của vương triều Nguyễn », nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết.     

Ý Nhi