TRÀ CUNG ĐÌNH: Trà Thảo mộc dưỡng sinh là dạng Phương trà bao gồm một hay nhiều loại thảo dược bào chế và sử dụng giống như trà uống hàng ngày.
Dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide) là ứng dụng công nghệ điện tử hỗ trợ tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm.
Những hình ảnh của kinh thành thời Nguyễn được hiện ra đầy đủ, rõ nét sinh động cùng với những hoạt động, nghi thức hàng ngày trong hoàng cung hàng trăm năm trước.
Bên trong Hoàng cung Huế có tổ chức chụp ảnh lưu niệm cho du khách tham quan dưới trang phục thái thượng hoàng, vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và cung phi.
Để tạo điều kiện cho du khách có cơ hội tham quan khu vực xung quanh Đại Nội và tất cả các điểm du lịch bên trong Đại Nội mà không mất nhiều thời gian.
Du khách có thể liên hệ trực tiếp để đăng ký chương trình tham quan có hướng dẫn đi cùng, du khách có thể liên hệ hướng dẫn ngay tại các điểm di tích.
THÔNG TIN DỰ ÁN BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHỤC HỒI THÍCH NGHI DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÀN ÂM HỒN
(Theo Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu)
I. GIỚI THIỆU VỀ DỰ ÁN:
1. Tên dự án: Bảo tồn, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích lịch sử Đàn Âm Hồn.
2. Chủ đầu tư: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
3. Đơn vị quản lý dự án: Ban Quản lý Dự án Di tích Cố đô Huế.
4. Nhà thầu thi công xây dựng: Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Huế.
5. Đơn vị giám sát thi công xây dựng: Ban Quản lý dự án Di tích Cố đô Huế.
6. Địa điểm thực hiện: Số 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, thành phố Huế.
7. Mục tiêu dự án: Bảo tồn, tôn tạo, phục hồi thích nghi và phát huy giá trị di tích lịch sử Đàn Âm Hồn, là công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
8. Phạm vi dự án: 1.159m2.
9. Quy mô đầu tư:
- Đàn tế: Phục hồi Đàn tế kích thước 9,2mx9,2m, tôn cao so với nền sân xung quanh 0,83m. Chân móng Đàn xây bằng gạch vồ không trát vữa. Bốn phía Đàn tế bố trí 5 bậc cấp xây gạch vồ, mặt bậc lát đá Thanh. Nền Đàn và xung quanh Đàn lát gạch Bát Tràng.
- Nhà để đồ tự khí (Thần khố): Phục hồi nhà để đồ tự khí có hình thức kiến trúc gỗ truyền thống 3 gian, bịt đốc; Nền nhà tôn cao lát gạch Bát Tràng; Bao quanh 3 mặt là tường xây bằng gạch vồ, bả màu truyền thống; Mái lợp ngói liệt không men, bờ mái đắp vữa, trang trí con giống đắp vữa bả màu; Hệ khung gỗ nhà sơn quang truyền thống.
- Cổng và tường rào bảo vệ khuôn viên di tích: Xây dựng tường thành cao 1,98m bao quanh 3 mặt khuôn viên khu đất của di tích có kết cấu bằng gạch, giằng móng tường bê tông cốt thép. Phía trước mặt tiền đường Ông Ích Khiêm bố trí 4 trụ cổng; Lắp đặt biển đồng chỉ dẫn và thông tin di tích.
- Bia đá và lư đồng: Tôn tạo bia tưởng niệm bằng đá cao 1,28m; đặt trên hai bậc cấp cao 0,15m xây bằng gạch vồ trát vữa; tôn tạo lư đồng bằng đồng.
- Hệ thống sân và đường giao thông nội bộ: Tôn tạo mới sân đường gồm có sân đường dẫn từ trụ cổng đến sân xung quanh Đàn tế và sân trước nhà Thần Khố. Toàn bộ sân đường gia cường bê tông, lát đá Thanh.
- Hệ thống cây xanh cảnh quan: Tôn tạo tổng thể cây xanh, tiểu cảnh phù hợp với tính chất của công trình.
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Tôn tạo hệ thống điện chiếu sáng công trình và cột đèn chiếu sáng sân đường; hệ thống thoát nước mặt tự nhiên; bố trí các bình chửa cháy.
- Nội thất: Phối trí nội thất gồm 3 án thờ bằng gỗ Hương sơn son thếp bạc phủ hoàng kim; Phục chế các đồ thờ khác phục vụ tế lễ và thờ tự.
10. Thời gian thực hiện: 2 năm.
II. GIỚI THIỆU VỀ DI TÍCH
Lịch sử hình thành: Sự kiện lịch sử đau thương thường được người dân thành phố Huế nhắc đến với tên gọi “Thất thủ Kinh đô” gắn liền với biến cố 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885). Vào đêm ngày 4/7/1885, Tôn Thất Thuyết và một số các quan triều đình thuộc phe chủ chiến của triều đình An Nam đã ra lệnh tấn công tòa Khâm sứ Pháp và bị quân Pháp tấn công trở lại. Trong trận chiến hỗn loạn đó nhiều quan lại, binh lính và thường dân đã bị giết hại bởi súng đạn, số khác bị chết giẫm đạp lên nhau trong lúc chạy trốn. Ngày đó, trở thành một trong những ngày đẫm máu và đau thương nhất trong lịch sử xứ Huế. Vì lẽ đó, hàng năm bắt đầu từ ngày 23 tháng 5 Âm lịch, đâu đâu người dân Huế cũng chủ động lập bàn thờ để cúng tế linh hồn những người đã bỏ mình vì nước trong ngày thất thủ Kinh đô. Chín năm sau ngày Thất thủ Kinh đô, năm 1894 vua Thành Thái đã cho lập một đàn tế Âm Hồn để thờ cúng những vong linh những người đã tử nạn trong sự kiện lịch sử đó. Theo tập “Kinh thành Huế - địa danh” của tác giả Léopold Michel Cadière kèm bản đồ vẽ năm 1933 thì đàn Âm Hồn thuộc phường Nam Cường sau đổi thành Huệ An, Đàn nằm ở vị trí lô đất có số thứ tự 270. Ở đây ngày xưa là trại lính Thần Cơ (một đơn vị pháo binh thuộc triều đình). Sau biến cố 23 tháng 5 năm Ất Dậu, trại lính bị bỏ hoang và cũng tại đây nhiều binh sĩ triều đình cũng ngã xuống. Có lẽ vậy mà đây là địa điểm được chọn lựa làm nơi đặt đàn tế Âm Hồn. Theo bản Tấu của Bộ Lễ ngày 10 tháng 5 năm Thành Thái thứ 6 đề xuất xây dựng đàn tế Âm Hồn lên vua Thành Thái, đàn tế là một nền đất vuông kiên cố bằng phẳng, hàng năm đến kỳ lập hàng rào tre và đem lễ vật trong kho đến bày biện. Sau này, triều đình cho dựng một ngôi nhà ba gian bằng gỗ và lợp bằng mái ngói để cất giữ đồ tự khí, đồng thời cử người trông coi đàn và chính thức lập ra chế độ thủ từ. Theo lời kể của nhân chứng lịch sử, ông Nguyễn Đình Hiển, thì ở giữa khoảng đất rộng, người ta cho xây dựng ngôi nhà bốn mái, lợp ngói liệt rộng chừng 50m2, trên đó đặt ba án thờ, mỗi án thờ đặt 1 bài vị sơn son thếp vàng. Bài vị ở giữa thờ các quan chức sắc trong triều đình; bài vị bên trái thờ Sỹ, Nông, Công, thương; bài vị bên phải thờ binh lính tử nạn. Đến những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1947), ngôi nhà bốn mái bị cháy, riêng ba bệ thờ vẫn còn nguyên vẹn (diện tích 50m2, dài 10 rộng 5, cao 1,5m). Năm 1987, ba bệ thờ của đàn Âm Hồn bị tháo dỡ và xây lại 1 Am nhỏ (1mx2m) thay cho bệ thờ cũ. Cũng từ đó, vì nhiều lý do khác nhau, việc chăm sóc đàn Âm Hồn không được thường xuyên nữa. Từ sau năm 1975, đàn Âm Hồn trải qua nhiều biến động, một thời gian dài khu đất nơi đây sử dụng sai mục đích khiến di tích biến dạng và không còn dấu tích trên thực địa. Qua những ghi chép ít ỏi từ sử liệu và những mô tả từ các nhân chứng lịch sử gắn bó với di tích Đàn Âm Hồn, cho thấy di tích này tọa lạc đúng vị trí khởi dựng vào năm 1894 cho đến năm 1987 với kiến trúc chính là đàn tế có dạng hình vuông nằm lộ thiên và 1 nhà gỗ ba gian bốn mái, lợp ngói để đựng đồ tự khí. Ngôi nhà ba gian với chức năng là nơi để đồ tự khí nhưng thực tế được phối trí như một miếu thờ trong đó đặt các án thờ thành hoàng, các vị quan, binh lính, đã ngã xuống vì nước trong cuộc biến loạn Ất Dậu (1885).