Qua năm tháng, với sự kế thừa những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa kết hợp với tinh hoa văn hóa các triều đại quân chủ đã kết tinh trong lòng Cố đô Huế một di sản đồ sộ bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được UNESCO vinh danh. Đó là Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới; Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và các Di sản tư liệu thế giới như: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
***
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị được giao nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản Văn hóa Thế giới triều Nguyễn xin chào đón các bạn đến với di sản Huế qua hành trình khám phá 5 đi sản ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa của Việt Nam - “Huế - 1 điểm đến 5 di sản".
Quần thể di tích Cố đô Huế
Quần thể Di tích Huế là một ví dụ điển hình về quy hoạch và xây dựng, một kinh đô phòng thủ hoàn chỉnh trong giai đoạn tương đối ngắn vào những năm đầu thế kỷ 19. Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời kỳ phong kiến ở Đông Á.
Ngày 11 tháng 12 năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam
Âm nhạc cung đình Huế gồm có: nhạc lễ (Nhã nhạc), múa cung đình và kịch hát (tuồng cung đình). Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc chỉ sử dụng trong các buổi tế, lễ của triều đình. Ngày 7 tháng 11 năm 2003, Nhã nhạc-Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày nay, Nhã nhạc được bảo tồn và phát huy giá trị trong không gian diễn xướng nguyên thủy của nó tại các cung điện, đền miếu thuộc quần thể di tích cố đô Huế - Di sản Văn hóa thế giới, góp phần hồi sinh di sản văn hoá Huế và góp phần đưa giá trị di sản văn hóa phi vật thể đến gần hơn với công chúng và cuộc sống.
Mộc bản triều Nguyễn
Mộc bản là một loại hình tài liệu đặc biệt được tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðây là những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các loại sách, nhân bản các tài liệucủa triều Nguyễn. Khối tài liệu này đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV , thành phố Đà Lạt.
Đó là những bản khắc lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, ghi nhớ các sự kiện lịch sử, các tác phẩm chính sử, sách kinh điển Nho gia cùng nhiều lĩnh vực lịch sử, địa lý, văn chương, quân sự, pháp chế… của Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử, được đích danh nhà vua ngự lãm, phê duyệt. Với những tính chất quan trọng và độc đáo về mọi mặt của mộc bản, ngày 31/7/2009, UNESCO đã công nhận tài liệu mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu của thế giới.
Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945)
Châu bản là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan hành chính trung ương và địa phương soạn thảo, thông qua nhà vua xem xét, châu phê bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đây được xem là kho lưu trữ tài liệu văn thư hành chính của vương triều Nguyễn.
Châu bản triều Nguyễn là tài liệu lưu trữ Hán - Nôm thuộc diện quí hiếm hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, thủ đô Hà Nội. Ngày 14/5/2014, Châu bản triều Nguyễn đã được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đến ngày 30/10/2017, UNESCO đã công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu của thế giới.
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Nguyễn (1802 - 1945)
Trên các công trình kiến trúc cung đình Huế còn tồn tại khoảng hơn 4000 đơn vị ô hộc thơ văn chữ Hán. Những áng văn thơ này không chỉ là minh chứng thuyết phục cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học trung đại Việt Nam mà còn góp phần làm nên phần hồn, làm tăng tính văn hóa cho các công trình kiến trúc thời Nguyễn. Nội dung chủ yếu là tôn vinh công trạng mở mang, thống nhất bờ cõi của các vua nhà Nguyễn; thể hiện quan niệm trong tư tưởng Nho giáo; khẳng định chế độ quân chủ; khẳng định nền văn hóa dân tộc; ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, cảnh đẹp của đất nước; bày tỏ sự quan tâm đến đời sống của dân, ước mơ đất nước thái bình.
Ngày 19/5/2016, di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được vinh danh là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới, Khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.