Mở đầu bài thơ Tết của mẹ tôi, thi sĩ Nguyễn Bính viết:
Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều
Sân gạch tường vôi người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ, giồng cây nêu.
Đoạn thơ gợi lên một không gian của những ngày chuẩn bị đón Tết trong đời sống tinh thần của người Việt. Đặc biệt, có câu thơ nhắc đến tục trồng nêu ngày Tết, một nghi thức có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa, được hình thành, bảo tồn, kế thừa và phát huy ở nhiều dạng thức khác nhau. Đây là nghi thức xuất hiện phổ biến trong đời sống dân gian, trong đời sống Phật giáo và trong đời sống cung đình thời Nguyễn.
Dựng nêu trong dân gian xưa
Theo huyền sử truyền tụng trong dân gian thì nguồn gốc lễ dựng nêu thiên về Phật giáo. Ngày xưa quỷ thường chiếm hữu đất đai và thường cho con người “thuê” để canh tác, rồi mâu thuẫn xảy ra, Phật phải ra tay giúp đỡ. Với thần thông vô biên, Phật đã đẩy lùi được ma quỷ, nhưng lại khiến cho quỷ không có đất kiếm ăn, nên phải cầu khẩn Phật cho biết chỗ đất nào không phải là của Phật. Phật mới bảo ở đâu có chuông, khánh, phướn là đất của Phật.
Vì thế Phật mới dạy dân dựng cây tre cao, trên đó có treo chuông, khánh, phướn trồng ngay trước nhà, đồng thời rải vôi dánh dấu, vẽ hình cung tên làm giới hạn. Cây tre càng cao bóng tỏa càng rộng, quỷ càng xa lánh. Treo khánh hoặc chuồng trên cây nêu để mỗi lần có gió thì phát ra tiếng tất làm quỷ sợ hãi. Trong dân gian, người ta cũng bày biện bàn thờ để nghinh thần, ngoài sọt tre đựng cau trầu vàng bạc, còn phướn đỏ, lung tung hoặc treo lá dứa, lá đa. Rồi vạch vôi làm ranh giới cách nêu vài mươi thước, vẽ cung tên nhắm vào hướng Quỷ vương. Có nhà còn treo bùa đào, lá đùng đình để trừ ma.
Miền Bắc nước ta ngày trước dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp, vì sáng 23 có lệ tiễn đưa ông Táo về trời, tức từ ngày này vắng mặt Táo quân trong nhà, nhân đó ma quỷ có cơ hội quấy phá. Dựng nêu để ngăn chặn ma quỷ, và cây nêu dựng ngay trước nhà cho đến ngày mồng 7 tháng giêng.
Thướng tiêu (dựng nêu) trong Hoàng cung thời Nguyễn
Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người ta làm lễ “Thướng tiêu” tức dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Chữ Tiêu (標) trong Thướng tiêu (上標) có nghĩa là “ngọn cây” nơi cao nhất dễ nhìn thấy [1]. Trước ngày Tết, triều đình làm lễ Thướng tiêu tức lễ “lên nêu” để đánh dấu cho biết ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu, ngoài ra còn để trừ tà ma gây hại. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Trong bài thơ “Nhân nhật” ở Ngự chế thi, hoàng đế Minh Mạng có đề cập đến cây nêu trong mùa xuân lạnh rét ở Kinh đô vào thời điểm bấy giờ:
春天何未煖 Xuân thiên hà vị noãn,
連日只添寒 Liên nhật chỉ thiêm hàn.
冷雨淋金勝 Lãnh vũ lâm kim thắng,
凄風下竹竿 Thê phong hạ trúc can.
京霑祈霽朗 Kinh triêm kỳ tễ lãng,
北涸願濛漫 Bắc hạc nguyện mông man.
少益而多止 Thiểu ích nhi đa chỉ,
霖晴兩共歡 Lâm tình lưỡng cộng hoan.
Dịch thơ:
Trời xuân sao chưa ấm,
Ngày nối thêm tái tê.
Đồng lạnh thua mưa rét,
Gió buốt xuống nêu tre.
Kinh kỳ ước mau tạnh
Bắc khô cầu dầm dề.
Ít nhiều sao ngưng lại,
Mưa nắng cũng thích về.
Trong bài thơ này, vua Minh Mạng cũng đã giải thích khá chi tiết về lễ dựng nêu. Theo cổ tục đến ngày 25 tháng Chạp là ngày trừ nhật (除日) không tiếp nhận văn thư, ngày này khóa ấn (quan bửu 關 寶), nghĩa là cất ấn triện, không còn đóng dấu nữa, rồi dựng nêu (Thướng tiêu 上 標). Đó là nghi thức dùng một cây tre trên đó lấy tranh kết bốn dọc năm ngang (tức cái lung tung), rồi treo một cái sọt bên trong đựng giấy tiền, cau trầu…để cúng Thần. Đến ngày mồng bảy tháng Giêng mới mở ấn (khai bửu 開 寶) và hạ nêu (há tiêu 下標 ) rồi tiễn Thần (tống Thần), gọi là mở đầu năm mới.
Song bên cạnh đó, chính vua Minh Mạng cũng quan niệm rằng, đã là bậc đế vương phải theo mạnh mẽ của quẻ Càn tượng Trời không lúc nào ngưng nghỉ. Vả lại sớ chương không lúc nào không có, nếu cất ấn (hạp bửu 闔寶) lỡ có việc quân cơ quan trọng, không thể ban hành văn bản để thực hiện, nếu như dùng khống chỉ thì không phải là bửu tỉ, cáo mệnh (sắc phong, giấy khen..) hoặc văn thư ở các Nha, cần thận trọng để tránh giả mạo không có gì đối chiếu, nên đã dụ rằng, các bửu tỉ căn cứ vào lệ dùng thường ngày mà chọn ngày đóng ấn, mở ấn, không câu nệ theo lệ ngày 25 và mồng 7. Lên nêu, hạ nêu tuy là tục lệ dân gian nhưng không cần đổi thay rắc rối, cứ theo như cũ. Theo ý chỉ của vua Minh Mạng, những lần lên nêu, triều đình nhà Nguyễn thì chỉ chọn một số ấn triện không quan trọng để bỏ vào sọt treo lên nêu cho có tính cách tượng trưng. Đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) có sớ tâu xin dựng nêu vào giờ Thân (15g-17g) ngày 30 tháng Chạp và hạ nêu vào giờ Thìn (7g-9g) và mồng 7 tháng Giêng. Sau đó được Sắc chỉ của vua chọn giờ Thìn vào ngày 30 tháng Chạp và mồng 7 tháng Giêng để dựng nêu cùng hạ nêu, rồi lấy đó làm lệ không thay đổi nữa.
Như vậy trước năm Tự Đức thứ 29, lên nêu và hạ nêu vào 25 tháng Chạp và mồng 7 tháng Giêng, về sau thì lên nêu vào ngày 30 tháng Chạp, tức thời gian nghỉ Tết ngắn lại. Ở các Thượng thư đường, Thị lang đường, Tham tri đường, cũng như các cơ quan khác đều dựng nêu trước sân, theo lệ cũ có sọt tre đựng cau trầu, vàng bạc, rượu cùng ấn triện vừa để cúng Thần, mà ngưng nghỉ công việc trong những ngày Tết. Nhín thấy cây nêu lấp ló trong hoàng cung, nhà dân mới theo đó mà dựng nêu ăn Tết. Tú Xương đã từng nhận định thực tế này qua câu thơ với “xuân từ trong ấy ban ra” chính là hình ảnh của cây nêu:
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Cây nêu dựng lên báo hiệu Tết đến. Nguyễn Khuyến lúc cáo lão về hưu, mắt lòa không nhìn thấy rõ đã vấp vào nêu dựng tối 30 tháng chạp mới nẩy ra vế đối:
Tối ba mươi nghe pháo Giao thừa à à Tết
Sáng mồng một vấp nêu Nguyên đán ờ ờ Xuân.
Lễ dựng nêu tại chốn Hoàng cung ngày nay
Lễ dựng nêu tại Hoàng cung Huế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện theo một cách thức mới trên cơ sở nghiên cứu và dàn dựng thích nghi trên chất liệu truyền thống vào vào sáng 23 tháng Chạp hàng năm, từ năm 2015. Trên cơ sở chất liệu cung đình, tác giả đã xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về dựng nêu trong chốn hoàng cung, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn, đồng thời tạo ra không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.
Phần đầu lễ là nghi thức rước nêu, được thực hiện theo lộ trình từ cửa Hiển Nhơn đi đến cổng chính của Thế Miếu. Đội rước nêu tập kết trang nghiêm tại bên ngoài cửa Hiển Nhơn lúc 7h00 sáng ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Thứ tự đội rước nêu như sau: 02 lính cầm cờ cảnh, cờ tất (02 cờ hình tam giác màu hồng ghi 2 chữ Cảnh và Tất); 04 lính cầm lồng đèn; 04 lính cầm cờ tứ phương (các cờ có hình thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ tương ứng với 04 màu xanh, trắng, đỏ, tím); 01 quan cầm lỗ bộ (lỗ bộ có dán 2 chữ Hán Thướng tiêu 上 標 viết mực nho trên giấy đỏ); Đội tiểu nhạc (9 người); 10 lính ngự lâm áo vàng vác cây nêu; 08 lính cầm lỗ bộ
Nghi thức rước cây nêu
Trình tự nghi thức rước nêu như sau: Quan cầm lỗ bộ (上 標) xướng: Thướng tiêu lễ… Khởi… Tiểu nhạc tác; Tiểu nhạc trỗi lên (bài Phú lục địch, được tấu liên tục từ khi xuất phát đến khi đến điểm tập kết ở phần 2 tại Thế Miếu); lần lượt đội hình di chuyển.
Đội rước nêu từ ngoài cửa Hiển Nhơn bắt đầu đi vào Hoàng Thành, thẳng đến cửa chính Thế Miếu, đến địa điểm chọn dựng nêu tại sân Hiển Lâm Các.
Phần tiếp theo là lễ dựng nêu. Ở khu vực chọn dựng nêu bày hương án, lễ phẩm. Đội Đại nhạc chờ sẵn. Các bồi tự chờ sẵn. Đội rước nêu đã đến tập kết, tiểu nhạc dứt.
Quan cầm lỗ bộ xướng: Thướng tiêu…lễ. Đại nhạc tác… Đại nhạc tấu (Song tấu kèn trống, được tấu liên tục đến khi hết phần nghi thức tế lễ).
Các viên được phân công cúng lễ trang phục áo dài, khăn đóng làm lễ tại hương án theo trình tự: Sơ hiến lễ, Á hiến lễ, Chung hiến lễ…
Thực hiện các nghi tiết xong, Quan cầm lỗ bộ xướng: Thướng tiêu… Các viên bồi tự tiến hành buộc các lễ vật như cau, trầu, rượu, sớ (đưng trong hộp) ở phần ngon cây nêu, treo lên đầu ngọn nêu 01 chiếc ấn hình con rồng thếp vàng. Khi tất cả đã xong, 10 lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên. Dựng xong, Quan cầm lỗ bộ (上 標) xướng: Khánh hạ...lễ, Đại nhạc tác.
Các viên được phân công cúng lễ làm lễ tạ kết thúc, xong, Quan cầm lỗ bộ xướng: Lễ tất… Lễ dựng nêu kết thúc trong âm thanh của Đại nhạc.
Cây nêu được dựng trước Hiển Lâm các, Thế Tổ miếu
Ngày 07 tháng Giêng, lại tiếp tục tổ chức lễ Hạ Tiêu (Hạ nêu). Lễ thực hiện tại sân Hiển Lâm Các, Thế Miếu nghi thức cũng do các viên được phân công cúng lễ trang phục áo dài, khăn đóng làm lễ tại hương án theo trình tự: Sơ hiến lễ, Á hiến lễ, Chung hiến lễ…Sau đó là nghi thức hạ nêu. Cuối cùng là nghi thức khai ấn. Ở khu vực này, đã chuẩn bị sẵn dụng cụ để thư pháp gia thực hiện viết thư pháp với các chữ như Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Tâm, Tĩnh, v.v. Sau đó, Ban tổ chức sẽ lấy chiếc ấn (mặt ấn khắc 4 chữ Hán thể triện là Phú, Thọ, Khang, Ninh) hạ từ cây nêu xuống và đóng lên các bức thư pháp này để tặng cho du khách như một lời chúc may mắn nhân những ngày khai xuân mới.
Sau Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 28 tháng Chạp đến 30 Tết. Du khách và người dân đến với di tích cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.
Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay đã được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt, gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày xuân trồng nêu để mong muốn những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới. Hình ảnh cây nêu vươn mình đón nắng xuân biểu thị cho sức sống xuân đang trỗi dậy trong mỗi người dân Việt. Đó là những ý nghĩa tốt đẹp mà tư xa xưa, ông cha đã truyền lại cho thế hệ con cháu hôm nay.
Chính vì vậy, tại nhiều làng quê của Thừa Thiên Huế trong những những ngày giáp Tết, nhiều họ tộc đã tổ chức dựng nêu trước đình làng, trước sự chứng kiến của đông đảo con cháu trong làng. Nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng.
Lễ dựng nêu là một truyền thống rất lâu đời của người Việt Nam, những ngày đầu xuân mới điển lễ này thật sự đã tạo nên không khí vui tươi vào dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ phổ biến ở cố đô Huế, khắp mọi miền đất nước ngày nay vẫn còn duy trì tục lệ này, đó thật sự là một đẹp trong truyền thống tâm thức người Việt.
N.P.H.T
[1] Vì ở cao nên biến nghĩa “nêu lên” cho mọi người nhìn thấy rõ nên về sau có nghĩa là “nhãn hiệu”. Từ ngữ tiếng Việt như Tiêu đề, Chỉ tiêu đều mang ý nghĩa “nêu lên, đưa lên cao”.