08/02/2011 4:40:14 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
TỨ PHƯƠNG VÔ SỰ VÀ KHÁT VỌNG HÒA BÌNH
Nổi bật trên nền Bắc Khuyết Đài, ở vị trí cao nhất của phía bắc Hoàng thành, lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình kiến trúc đặc biệt trong tổng thể kiến trúc cung đình Huế. Đây là công trình hiếm hoi của Hoàng cung quay mặt về phía bắc, và cùng với cửa Hòa Bình (cửa Bắc của Hoàng thành), làm nên một tổ hợp kiến trúc biểu thị cho ước vọng hòa bình của triều đại.

Đầu thế kỷ XIX, khi xây dựng kinh đô Huế, triều Nguyễn đã kế thừa một cách linh hoạt các kỹ thuật xây dựng thành trì truyền thống phương Đông, phối hợp với kiểu thành quân sự cận đại của châu Âu. Kết quả là Huế có vòng thành ngoài- Kinh Sư thành- mang dáng dấp của kiểu thành Vauban, nhưng hai vòng thành trong lại thuần túy kiểu Việt Nam. Ở chính giữa tường Hoàng thành, về cả 4 mặt đều có các khuyết đài xây lồi ra kiểu quai vạc, bên trên là công trình kiến trúc gỗ. Ở mặt nam, xưa có điện Càn Nguyên, thời Minh Mạng mới cho triệt giải cả điện cả đài Nam khuyết để xây thành Ngọ Môn; nhưng ba mặt còn lại trên mỗi khuyết đài chỉ có một tòa phương đình chủ yếu dành cho lính ngự lâm quân canh trực, bảo vệ hoàng cung. Cho đến thời Khải Định, cùng với việc dựng lầu Kiến Trung theo lối kiến trúc Tân cổ điển- Neo-classique- làm nơi ở cho gia đình nhà vua, tòa phương đình trên Bắc khuyết đài cũng bị triệt giải để làm chỗ cho việc dựng một công trình mới. Đó chính là tòa Tứ Phương Vô Sự lâu, một tòa lầu 2 tầng theo kiểu kiến trúc thuộc địa. Công trình hoàn thành năm 1923 để chuẩn bị mừng lễ Tứ Tuần Đại Khánh của vua Khải Định.

Lầu Tứ Phương Vô Sự được phục hồi

Ngày xưa ở phương Đông, vua đi đánh giặc hay tuần thú đều ra khỏi thành bằng cửa Bắc, vì vậy ở Trung Hoa cửa bắc gọi là cửa Thần Vũ. Tên gọi ấy thể hiện cái oai áp của bậc thiên tử chí tôn đối với thiên hạ. Còn ở kinh đô Huế, cửa bắc lại mang tên là cửa Hòa Bình. Cùng lấy đạo Nho làm tư tưởng chủ đạo nhưng rõ ràng là người Việt Nam, dù là bậc vua chúa vẫn có quan niệm và cách ứng xử thật nhân văn và mềm mại. Thời Khải Định, dẫu chủ quyền triều đại không còn bao nhiêu, nhà vua vẫn dựng tòa Tứ Phương Vô Sự để bày tỏ khát vọng đất nước được yên ổn, hòa bình.Bắc khuyết đài bình diện hình chữ nhật, rộng gần 1.800m2 (64,6m x 28,5m), lầu Tứ Phương Vô Sự đặt ở vị trí trung tâm, mặt nền 182m2 (14m x13m), hai bên đông, tây đều có vườn hoa kiểu mới, tuy vậy, bồn hoa vẫn đắp hình rùa (Quy) để tượng cho phía bắc. Đáng chú ý là hàng sứ cổ thụ trồng dọc theo tường phía nam trên mặt đài tựa như tấm rèm mỏng, quanh năm duyên dáng soi bóng xuống mặt hồ Kim Thủy.

Đứng trên tầng hai của lầu Tứ Phương Vô Sự, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả mặt bắc Hoàng thành, quan sát cuộc sống thanh bình của người dân Thành Nội Huế. Quay lưng lại, bạn sẽ được ngắm một khung cảnh tuyệt vời của mặt nước, cây xanh và những công trình kiến trúc nhấp nhô trong Hoàng  cung. Đây cũng là điểm ngắm đẹp nhất của Hoàng thành Huế. Ngày xưa, có lẽ tại vị trí này, Hoàng đế Thiệu Trị đã tự hào thưởng ngoạn toàn bộ Hoàng cung của mình để rồi cảm tác chùm thơ “Cung trung thập cảnh” (Mười cảnh trong cung). Chùm thơ này đã được Nội Các vẽ tranh minh họa khắc kèm từng bài thơ trên mộc bản, rồi gửi qua tận Trung Quốc để nhờ vẽ trên tranh gương…Đến nay, Huế vẫn giữ được một phần của bộ tranh vô giá này.

Mang đặc điểm chung của kiến trúc phương Đông, hoa viên bao giờ cũng đặt phía sau của Hoàng cung, xưa kia toàn bộ mặt nước hồ Nội Kim Thủy, nối suốt từ vườn Cơ Hạ ở phía Đông đến cung Trường Ninh ở phía tây đều là ngự viên của triều Nguyễn với tên gọi Hậu Hồ. Một dãi mặt nước mênh mông nhấp nhô những đảo, những đình, đài, lầu, các, tạ, lang, kiều…giao hòa cùm sum suê cây, lá, hoa, cỏ. Cũng có thể xem đây là đỉnh cao của kiến trúc vườn cung đình Việt Nam.

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, lầu Tứ Phương Vô Sự và phần lớn công trình kiến trúc của Hầu Hồ đều đã bị phá hủy hay triệt giải, nhưng “lối xưa dấu cũ hồn thu thảo” thì vẫn hiện hữu đâu đó. Vài năm trước, mấy vách tường đổ nát của lầu Tứ Phương Vô Sự còn được các nghệ sỹ dùng làm bối cảnh nền cho những hình ảnh gợi về thời xưa cũ mỗi khi diễn ra Festival Văn hóa Huế.

Nhưng nay thì mọi thứ đã thay đổi. Dự án trùng tu phục hồi lầu Tứ Phương Vô Sự đã trả lại cho Huế một công trình kiến trúc mang đầy ý nghĩa. Và càng ý nghĩa hơn khi công trình đã được khánh thành ngay trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Nhìn về phía Bắc, không chỉ là để “Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” mà còn là sự biểu thị ước vọng chung của dân tộc- ước vọng “tứ phương vô sự”, thiên hạ thái bình.

Đó cũng là khát vọng chân chính của cả loài người.

                                                                    

Phan Thanh Hải
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>