Chiếc áo Nhật Bình của Nam Phương Hoàng hậu xuất hiện nổi bật tại Đại Nội Huế.
Chiếc áo được gia đình bà Phan Thúy Khanh và con trai Trần Phan Anh ở Hà Nội, người gốc Huế, mua và hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Áo Nhật Bình không chỉ đẹp, độc đáo mà còn gắn liền với một nhân vật lịch sử của triều đình nhà Nguyễn. Chiếc áo từng thuộc bộ sưu tập của Linda Wrigglesworth, một trong những chuyên gia hàng đầu về trang phục cổ trên thế giới. Những người am hiểu lịch sử, văn hóa hiểu được những giá trị của chiếc áo và xúc động khi liên tưởng đến cuộc đời vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam.
Nam Phương Hoàng hậu nổi tiếng bởi vẻ đẹp dịu dàng, đức hạnh, tài năng, từng 3 lần đoạt giải hoa hậu Đông Dương. Nhiều sách vở, giai thoại nói về cái đẹp, đức hạnh của bà, nỗi đau được giấu sau những hàng nước mắt thầm kín cũng không ít.
Những năm tháng cuối đời sống ở nước Pháp - nơi bà từng du học thời thiếu nữ - nỗi nhớ quê hương và những niềm riêng của Nam Phương Hoàng hậu khó ai hiểu được.
Ngắm nhìn chiếc áo Nhật Bình được treo trong Điện Thái Hòa trong sự kiện "hồi hương", có lẽ nhiều người cảm nhận như chạm đến hồn vía của người xưa, như được đọc lại những trang sách lịch sử từng nhạt phai trong ký ức.
Bao nhiêu năm ở xứ người, nhưng Hoàng hậu Nam Phương vẫn giữ gìn chiếc áo Nhật Bình, không phải vì bà nuối tiếc thời hoàng kim quá vãng, mà là giữ gìn một chiếc áo dài đậm sắc Việt Nam.
Khi được hỏi về "kỳ công" tìm mua chiếc áo, ông Trần Phan Anh tỏ ý không muốn nói nhiều về bản thân và gia đình, chỉ chia sẻ rằng: "Mua chiếc áo Nhật Bình của Hoàng hậu Nam Phương để hiến tặng cho Huế là niềm vui và hạnh phúc của gia đình tôi. Được đóng góp một phần nhỏ bé trong việc sưu tập, lưu giữ các cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa với tôi là điều may mắn".
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng: "Thêm chiếc áo Nhật Bình của Nam Phương Hoàng hậu, Trung tâm có thêm hiện vật cùng với thông tin về lịch sử và văn hóa triều Nguyễn liên quan, để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giáo dục lịch sử, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thưởng lãm văn hóa của du khách".
Các nhà hảo tâm tìm mua, sưu tầm những cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa - đặc biệt là những cổ vật "lưu lạc" ở chân trời góc biển để trả về nơi xưa chốn cũ - thực sự có công lao rất lớn với đất nước.
Việt Nam có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hóa, nhưng trải qua biết bao thăng trầm, nhiều cổ vật giá trị đã "ly tán vì cơn gió bụi". Có những cá nhân, tổ chức sẵn lòng bỏ công, bỏ của săn tìm các cổ vật mang về hiến tặng. Các cổ vật đó, ngoài giá trị vật chất, còn có giá trị tinh thần, đó là thông điệp về lòng yêu nước.