04/12/2024 9:08:19 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Trao đổi kinh nghiệm tổ chức chương trình Giáo dục Di sản văn hóa
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tham dự và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động Giáo dục Di sản tại Huế trong buổi Toạ đàm “Di sản và đổi mới phương pháp giáo dục: Vai trò của bảo tàng và di tích từ góc nhìn quốc tế và Việt Nam” do Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Toạ đàm đã lĩnh hội những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn thông qua các bài tham luận như “Các mô hình giáo dục di sản thành công trên thế giới” của giáo sư David Anderson - Giám đốc chương trình giáo dục bảo tàng tại University of British Culumbia (Canada), “Giáo dục Di sản tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - Thực tiễn và giải pháp”, “Giáo dục di sản thông qua hoạt động trải nghiệm tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám”,“Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An”, “Xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh phổ thông tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia”.

Đồng thời, có nhiều ý kiến trao đổi về phương pháp xây dựng, tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, những thách thức, khó khăn phải đối mặt và sự cần thiết hình thành mạng lưới nghiên cứu, thực hành giáo dục di sản trong nước và quốc tế tại buổi Toạ đàm.

Thông qua buổi Toạ đàm, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, cùng đại diện của các bảo tàng, di tích tại 24 tỉnh, thành trên toàn quốc nhận định vai trò quan trọng của Giáo dục Di sản dành cho thế hệ trẻ, không những nâng cao nhận thức về giá trị di sản, bồi dưỡng tình yêu và lòng tự hào dân tộc mà còn trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa gắn liền với từng di sản.

Chương trình Giáo dục Di sản - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế