Năm 2012 là năm thứ hai tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07 tháng 06 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ “Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010-2020”, cũng là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế: Quyết định số 2295/ QĐ- UBND ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích cố đô Huế đến năm 2020, Quyết định số 1880/QĐ- TTg ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế. Đó là những cơ sở để tiếp tục thúc đẩy công tác cảnh quan môi trường của di tích Huế với những bước chuyển biến tích cực gắn với công tác trùng tu tôn tạo các công trình kiến trúc và phát huy giá trị di tích cố đô Huế.
|
Phối cảnh dự án bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương |
Năm qua, công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị cảnh quan môi trường di tích Huế đã được Ban Giám đốc Trung tâm xác định là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng của công cuộc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Huế. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn phục vụ tốt cho công tác chuyên môn, cụ thể như: Xây dựng và phối hợp triển khai thực hiện dự án: “Quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực vành đai xanh lăng Minh Mạng”; Xây dựng hoàn chỉnh dự án: “Bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương”; Xây dựng hoàn chỉnh dự án: “Sưu tập, nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích”; Xây dựng đề án “ Xử lý rác thải khu vực di tích Đại Nội bằng công nghệ vi sinh”; Phối hợp với Trường Đại học Khoa học Huế tiếp tục nhân rộng kết quả đề tài: Xử lý môi trường nước bằng công nghệ vi sinh, giải pháp chống rêu, tảo bám trên nền gạch Bát tràng chống trơn trợt cho du khách tại các khu vực di tích”
Bên cạnh đó, việc chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan các sân vườn, ao hồ cũng đã được tập trung trí tuệ và nhân lực để bước đầu cải thiện một cách đáng kể bộ mặt cảnh quan của khu vực di tích Đại Nội. Đặc biệt là việc tôn tạo vuờn Cơ Hạ đảm bảo đúng thời gian phục vụ tốt cho chương trình lễ hội Festival Huế 2012, đẩy mạnh công tác tôn tạo các sân vườn trọng điểm nhằm phục vụ khách tham quan như: sân vườn khu vực Duyệt Thị Đường, Thế Tổ Miếu, Thái Miếu, Phủ Nội Vụ. Các sân vườn của di tích Huế như điện Thái Hoà, cung Trường Sanh, sân Quần Vợt trong khu vực Đại Nội; lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, cung An Định ... cũng được xây dựng kế hoạch chăm sóc, đảm bảo các sân vườn luôn xanh - sạch - đẹp.
Ngoài ra, cảnh quan hệ thống hồ ao cũng được duy trì công tác vệ sinh mặt nước, xử lý các thực vật phát triển lan rộng trong hồ ao như rong tảo, bèo, cỏ ấu và vệ sinh xung quanh các hệ thống kè hồ, bậc cấp, lan can... Phòng Cảnh quan-Môi trường của Trung tâm đã tổ chức triển khai trồng sen và nuôi thả cá chép cảnh để tôn tạo cảnh quan hồ ao của di tích trọng điểm như: hồ Thái Dịch và Ngoại Kim Thuỷ, Hộ thành hào, hồ Minh Giám..; thường xuyên kiểm tra, bảo quản các hồ ao trong mùa mưa bão.
|
Công tác vệ sinh mặt nước, xử lý các thực vật phát triển lan rộng trong hồ ao thuộc quần thể di tích Huế
|
Công tác ươm trồng ngày càng phát triển mạnh. Trung tâm cũng cho xây dựng kế hoạch sản xuất hoa, chủ động cung cấp đủ cho việc trang trí thường xuyên và các lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; tăng cường số vụ sản xuất hoa lên 4 lần trong năm, chú trọng sản xuất đủ về số lượng và chất lượng hoa trang trí. Năm 2012, phòng Cảnh quan-Môi trường của Trung tâm đã sản xuất hơn 60.000 cây hoa trồng bãi, gần 10.000 chậu hoa, với trên 15 chủng loại hoa đảm bảo duy trì các sân vườn chính trong khu vực di tích Đại Nội, các di tích trọng điểm khác luôn có các thảm hoa phục vụ tham quan du lịch; đồng thời xây dựng kế hoạch cắt tỉa, uốn sửa, chăm sóc tốt cho hơn 5.000 cây kiểng, bonsai các loại, trong đó tập trung chăm sóc các chủng loại cây kiểng có giá trị phù hợp với di tích Huế; phối hợp với các Nghệ nhân tổ chức trang trí triển lãm bonsai và cây kiểng Huế tại vườn Cơ Hạ phục vụ chương trình lễ hội Festival Huế 2012.
Hệ thống cây xanh trên di tích được tiến hành kiểm tra thường xuyên để có các biện pháp xử lý cắt tỉa, tạo tán, không để xảy ra hiện tượng cây xanh gãy đổ ảnh hưởng đến công trình kiến trúc và cảnh quan du lịch: song song với việc chủ động xây dựng phương án phòng chống bão lụt, tổ chức khảo sát, chống đỡ cây xanh các khu vực di tích đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão kết hợp với công tác chăm sóc bảo dưỡng hệ thống cây xanh thường xuyên bằng các biện pháp nghiệp vụ: bơm thuốc phòng trừ sâu bệnh và xử lý nấm bệnh, thực vật ký sinh, chăm sóc bồi dục cho các cây xanh cổ thụ già yếu, quét vôi cây xanh các khu vực di tích trong dịp tết, đào bứng xử lý các gốc cây chết, gãy đổ.
Công tác vệ sinh môi trường cũng được tổ chức thực hiện hàng ngày, đảm bảo các tuyến đường đi, lối dạo và các thảm cỏ trong các khu vực di tích luôn luôn sạch đẹp. Trung tâm cũng cho tiến hành xử lý rêu bám trên gạch Bát tràng chống trơn trượt để đảm bảo an toàn cho khách tham quan; tổ chức nạo vét, vệ sinh toàn bộ hệ thống cống rãnh thoát nước, hố ga thoát nước tốt trong mùa bão lụt; xây dựng các phương án đảm bảo vệ sinh trong các đợt lễ hội Festival Huế 2012, đón tiếp khách quốc tế, lễ, Tết Nguyên đán...; bố trí sắp đặt các vị trí thùng chứa rác để thu gom rác thải phục vụ tham quan du lịch; tổ chức thu gom và vận chuyển rác thải tập trung đúng nơi quy định và phối hợp chặt chẽ với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhà nước một thành viên Môi trường Đô thị Huế để vận chuyển rác ra khỏi các khu vực di tích đảm bảo cảnh quan sạch đẹp.
|
Công tác xử lý rêu bám trên gạch Bát tràng
|
Một công tác khác cũng không kém phần quan trọng, đóng góp tích cực vào sự thành công của các sự kiện lễ hội cung đình Huế: đó là việc chăm sóc voi, ngựa. Trung tâm đã chỉ đạo phòng Cảnh quan-Môi trường đảm nhận công tác chăm sóc bảo dưỡng và trồng lại nguồn thức ăn cho voi, tổ chức tìm kiếm nguồn thức ăn bổ sung cung cấp đủ nguồn thức ăn có chất lượng tốt, ổn định cho voi; chủ động lập phương án cụ thể tập luyện cho voi, ngựa phục vụ các lễ hội và tham gia công tác khai thác dịch vụ du lịch; tổ chức triển khai có hiệu quả việc khai thác dịch vụ du lịch bằng voi tại khu vực Đại Nội. Năm 2012, nguồn thu từ dịch vụ tham quan du lịch bằng voi đóng góp vào nguồn thu của Trung tâm đạt trên 400 triệu đồng.
Dự kiến trong năm 2013, Trung tâm sẽ tiếp tục cho xây dựng hoàn chỉnh dự án “Sưu tập, nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích”, tổ chức triển khai đề án “ Giải pháp xử lý rác thải khu vực Đại Nội”, tiếp tục triển khai thực hiện đề tài “Xử lý rêu bám trên nền gạch bát tràng chống trơn trượt” trên các tuyến đường của các điểm di tích Đại Nôi, lăng Tự Đức, Minh Mạng, phối hợp với trường Đại học Khoa học Huế tiếp tục triển khai nhân rộng kết quả đề tài “Xử lý môi trường nước bằng công nghệ vi sinh”; xây dựng đề án: “Phục hồi trang trí cây cảnh trồng chậu đá các khu vực di tích Đại Nội, lăng Tự Đức và lăng Minh Mạng” và duy trì các hoạt động chăm sóc, bảo dưỡng cho toàn bộ hệ thống cây xanh các khu vực di tích, chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan các sân vườn trọng điểm của các khu vực di tích của khu vực Đại Nội, lăng Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, tôn tạo cảnh quan ao hồ cho các khu di tích: vệ sinh, trồng sen, súng; nhân giống cá cảnh…