06/12/2022 11:22:51 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Tình huống, không gian và thời gian nghệ thuật Tuồng cung đình Huế qua hai vở Sơn Hậu và Ngọn lửa Hồng Sơn
Nghệ thuật biểu diễn sân khấu Tuồng thành công là do khi xây dựng kịch bản, tác giả đã xây dựng những tình huống độc đáo nhằm bộc lộ tính cách của nhân vật. Đây là một trong những giá trị nghệ thuật đặc sắc góp phần thành công cho các vở Tuồng cung đình Huế nói chung, Tuồng Sơn Hậu và Ngọn lửa Hồng Sơn nói riêng. Ngoài ra, không gian của sân khấu Tuồng cung đình là không gian động, mới đây là cảnh triều đình, bỗng chốc chuyển thành trận địa; đang là đêm tối bỗng chuyển sang ban ngày; đang là rừng núi, sau đó trở thành dòng sông... Do vậy, không gian, thời gian của đặc trưng kịch bản sân khấu Tuồng cung đình chủ yếu dựa vào cảnh, lớp và đặc biệt theo cách diễn xuất mang tính tượng trưng ướt lệ của diễn viên. Đây chính là vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính cách của nhân vật, cũng như tư tưởng chủ đề của cốt truyện.
Trích đoạn Ôn Đình chém Tá (trong vở tuồng Sơn Hậu)
Trích đoạn Ôn Đình chém Tá (trong vở tuồng Sơn Hậu)
  • Ở góc độ nghệ thuật biểu diễn của các nhân vật trong Tuồng, vấn đề đạo lý xã hội được đề cao. Và ở đó sự rung cảm thẩm mỹ của người nghệ sỹ đối với hiện thực cuộc sống bao giờ cũng xuất phát từ quan niệm, tiêu chuẩn đạo đức nhất định. Do đó, lời nói của những con người “Phơi gan đắp lũy/ Lột da bồi thành” luôn chứa đựng giọng điệu bi hùng, chính nghĩa, họ không hề vị kỷ, điều này có thể là vì họ là những nhân vật có liên quan đến sự nghiệp chung. Nói cách khác, đây là những suy nghĩ, xúc cảm ở mặt đạo đức xã hội, ở phẩm chất của con người theo quan niệm: trung thực, giàu khí tiết, thông minh, dũng cảm, thủy chung... Ngoài những vấn đề nói trên, đối với hai vở Tuồng Sơn Hậu và Ngọn lửa Hồng Sơn, tác giả luôn chú trọng đến việc xây dựng không gian và thời gian sân khấu. Bởi vì, không gian và thời gian của sân khấu Tuồng luôn vận động, sự vận động đó, tác giả đã xây dựng nên những tình huống kịch đặc sắc, tạo cho người đọc và người xem thấy được cái hay, cái đẹp nghệ thuật mà Tuồng cung đình Huế mang lại.
  • Tình huống nghệ thuật

Trong rất nhiều trường hợp, sự đối chọi của hai thế lực trung và nịnh chứa đựng nhiều nội dung của kịch bản thông qua xung đột của nhân vật, trong đó bao gồm cả tâm trạng, triết lý sống của nhân vật. Tuy nhiên, sự tiết chế đúng liều lượng khi đưa vào nội dung kịch những tình huống bất ngờ, những xung đột đã được dự báo một cách thích hợp, đã góp phần làm nên cái hay, cái đẹp mang đầy đủ tính nghệ thuật giúp cho khán giả, độc giả cảm thụ được sức hấp dẫn mà Tuồng cung đình mang lại.

Nghệ thuật biểu diễn sân khấu Tuồng thành công là do khi xây dựng kịch bản, tác giả đã xây dựng những tình huống độc đáo. Đây là một trong những giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc góp phần thành công cho các vở Tuồng cung đình Huế nói chung, Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn nói riêng. Đối với Tuồng Sơn Hậu tình huống xuất hiện ngay từ khi mới bắt đầu vở diễn, đó là: vua Tề ốm; Triệu Khắc Thường bị Tạ Thiên Lăng chém để thị uy; Tạ Thiên Lăng lập tiểu giang sơn; Kim Lân và Linh Tá trá hàng; thứ phi bị hạ ngục; Lê Tử Trình cùng Nguyệt Hạo cứu thứ hậu; Mao Ất bị Kim Lân chém đầu; Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém đầu nhưng vẫn xách đầu chạy theo Đổng Kim Lân; Tạ Thiên Lăng cho sứ ra biên cương dụ hàng Phàn Định Công nhưng bị Phàn Định Công chém đầu; Phàn Định Công ba lần leo lên mình ngựa nhưng bị thổ huyết mà chết; Kim Lân hẹn Tạ Ôn Đình ba ngày rồi sẽ đến quy hàng.... Và cũng giống như Tuồng Sơn Hậu, trong Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn, các tình huống nghệ thuật cũng xuất hiện tượng tự, đó là: Vua chết; Triệu Văn Hoán tạo bức thư giả nói Chánh hậu thông dâm; giữa triều đình Quản Hợi chửi Triệu Văn Hoán phản nghịch; Bích Hà thay Xuân Hương để đánh tráo chánh hậu và chấp nhận ra chịu chết trước pháp trường; Phương Cơ giả điên; Triệu Tư Cung rời khỏi chùa Trúc Tự để chống lại cha; lão Tạ quyết ra tay giết con trai của mình và được mọi người làm lễ tế sống; Tạ Ngọc Lân đánh nhau và cùng Tạ Kim Hùng chết trong lửa đỏ...

Trích đoạn Ôn Đình chém Tá (trong vở tuồng Sơn Hậu)

Tuồng cung đình Huế có nhiều kiểu loại, và trong mỗi kiểu loại đều có các tình huống nghệ thuật khác nhau như đã nói ở trên. Tuy nhiên, với hai kịch bản Tuồng cung đình Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn, có hai chi tiết nghệ thuật đặc trưng riêng biệt được giới nhà nghề thường quan tâm, bàn luận, đó là: Trong kịch bản Tuồng Sơn Hậu, tác giả đã đưa vào chi tiết nhân vật Khương Linh Tá bị chém rơi đầu, nhưng lại có hành động đứng dậy xách lấy đầu mình gắn lại vào cổ, khiến Tạ Ôn Đình cũng một phen khiếp sợ. Đây chính là tình huống nghệ thuật bất ngờ mang đầy đủ cảm xúc thẩm mỹ, tạo nên hiệu ứng tích cực đối người đọc và người xem.

                   Chém Linh Tá đầu rơi mã hạ

                   (Ai có ngờ) Nó xách đầu thẳng tới thâm sơn

                   Xem bỗng thấy nhơn nhơn

                   Hòa mình đều sởn gáy

                   Luận như đấng ấy

                   Kim cổ dị thường.

                                      (Tạ Ôn Đình – Tuồng Sơn Hậu)

          Ngoài ra, thân hình không đầu ấy còn hiện lên giúp bạn mình khi biến thành ngọn đuốc đến soi đường cho Đổng Kim Lân qua đèo, thoát khỏi vòng vây của quân giặc.

                   Anh hỡi Đồng Kim Lân, núi hiểm hang hùm không bỏ bạn

                   Gắng mà theo cùng em, anh ơi!

                   Đèn hồng đưa bạn trọn thủy chung.

                                          (Khương Linh Tá – Tuồng Sơn Hậu)

          Để rồi, Đổng Kim Lân đã thoát nạn:

                   Sơn Hậu chốn này đã thực

                   Âu ta tới cập cửa thành

                   Thượng tuấn mã cao nêu

                   Vọng thành đồng trực tiến.

                                         (Kim Lân – Tuồng Sơn Hậu)

  Đối với tình huống nghệ thuật này, tác giả Xuân Yến nhận định: “Hành động của Khương Linh Tá thật là cao cả phi thường. Đó là hành động của người anh hùng sẵn sàng đón nhận sự hy sinh vì lý tưởng. Chất lãng mạn, lý tưởng hóa, đã làm tăng thêm giá trị tư tưởng cũng như thẩm mỹ của nhân vật, tạo cho người đọc cũng như người xem một xúc cảm bay bổng, hào hùng. Nhiều tác giả Châu Âu khi xem hình tượng nhân vật Khương Linh Tá liên tưởng đến hình tượng “Trái tim Đan Cô” của văn hào M. Goocki”. Còn tác giả Vũ Ngọc Liễn thì cho rằng, “Khương Linh Tá ba lần bị Tạ Ôn Đình Chém rơi đầu vẫn tháp lại đầu tiếp tục chiến đấu ngăn quân Tạ để cho Đổng Kim Lân thoát nạn. Mãi đến khi sức cùng lực kiệt thì hóa thành ngọn đèn soi đường cho Đổng Kim Lân vượt khỏi rừng núi hiểm nghèo. Bằng bút pháp nghệ thuật lãng mạn sáng ngời, tác giả sáng tạo tình tiết kịch dường như không thật nhưng lại rất thật, thật hơn cả sự thật”.

          Hay, trong kịch bản Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn, lúc Tạ Ngọc Lân đành phải ra tay giết chết đứa con phản nghịch của mình là Tạ Kim Hùng. Trước khi lên đường, những anh hùng nghĩa sỹ đã làm lễ “tế sống”:

          Hoàng Tử:

                   Sự cực chẳng đã

                   Còn chi mà mong

                   Một lạy đưa, lòng khó cắt lòng

                   Ba chung rót, bước khôn chia bước

                   Xướng

                   Đành nhẹ thân già lo việc nước.

          Lão Tạ:

                   Quyết vì nghiệp cả diệt loài gian.     

          Phương Cơ:

                   Tình sâu chia cắt trong giây phút.

          Mọi người:

                   Già trẻ nhìn nhau lệ chứa chan.

 Đánh nhau với Tạ Kim Hùng, và rồi hai cha con đã phải cùng ôm nhau chết trong ngọn lửa hồng, nhưng bằng tình cảm ruột rà thiêng liêng, Tạ Ngọc Lân vẫn cố gượng dậy vuốt mắt lần cuối cho con trai của mình rồi mới tắt thở... Hành động vuốt mắt cho đứa con ngỗ nghịch, chính là tình huống nghệ thuật với cái kết có hậu mang đầy đủ tính chất bi hùng. Một cái kết đẹp, với bố cục hình ảnh hai cha con mờ dần, mờ dần trong ánh lửa rực hồng báo hiệu một ngày mai tươi đẹp hơn cho triều đại chính thống. Theo tác giả Xuân Yến: “Đặt nhân vật trước những biến cố lớn, trong tình huống đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt, buộc nhân vật phải lựa chọn đạo lý trước khi hành động, là thủ pháp biên kịch của Tuồng quân quốc. Thủ pháp này là một nhân tố quan trọng tạo nên phương thức sân khấu tự sự của Tuồng”.


Trích đoạn Tế sống (trong vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn)

 Đối với đặc trưng nghệ thuật kịch bản Tuồng cung đình, mỗi kịch bản luôn có nhiều tình huống khác nhau, được tác giả gửi gắm vào trong hành động của nhân vật bằng sự tưởng tượng của mình, từ đó người đọc và người xem có thể hiểu được nội dung kịch bản thông qua ngôn ngữ nghệ thuật của vũ đạo, ca hát, tạo hình bằng khả năng biểu diễn của diễn viên. Chính vì vậy, những tình huống trong các kịch bản Tuồng cung đình nói chung, hai vở Sơn Hậu Ngọn lửa Hồng Sơn nói riêng, luôn có những tình huống bất ngờ, dù rằng đối với nội dung của nghệ thuật sân khấu Tuồng, khán giả, đọc giả khi xem và khi đọc đều đã biết trước nội dung kịch bản. Ví dụ như, khi Đổng Kim Lân phò thứ hậu chạy trốn trước sự truy đuổi của anh em Tạ Ôn Đình, vẫn biết Đổng Kim Lân muốn vượt qua ải Đồng Quan thì phải chém Sâm Tô, nhưng khí phách và cách giải quyết mối xung đột được Đổng Kim Lân đưa ra vẫn làm cho người xem thấy rõ hơn tính bạo liệt mà nghệ thuật Tuồng đem lại.

          Đổng Kim Lân:

                   Vâng triều đình hạ sắc

                   Mỗ theo bắt loài gian

                   Ngươi kíp mở ải quan

                   Đặng cho ta theo giặc.

          Sầm Tô:

                   Xem đà bản mặt

                   Quan Ngự Mã hầu

                   (Quân bây, chầm chậm để tao hỏi đã nghe! Chào quan Ngự Mã. Chớ vậy ông đi đâu mà)

                   Hài tử ấy là ai

                   Phu nhân nào theo đó.

          Đổng Kim Lân:

                   Người ấy là người dẫn lộ

                   Cho ta theo bắt loài gian

                   Ngươi mau mở ải quan

                   Đặng cho ta giục ngựa.

          Sầm Tô:

                   (Đi có chiếu không?).

          Đổng Kim Lân:

                   (Không có đâu, chỉ có khẩu truyền mà thôi).

          Sầm Tô:

                   (Nói vậy) Chiếu chỉ truyền chẳng có

                   Tôi đâu dám cho đi

                   Chốn giậu thưa nhà nước tin chi

                   Quan Ngự Mã khá tua trở lại.

          Kim Lân:

                   Chẳng mở Đồng Quan ải

                   Đầu ngươi ắt chẳng con

                             Sầm Tô bị chém đầu

                   Kíp ra khỏi quan môn

                   Đặng lánh loài gian ác.

Tạo dựng tình huống nghệ thuật độc đáo, đặc sắc xen trong đó là sự xung đột bởi những suy nghĩ và hành động của nhân vật, chính là đặc trưng của các kịch bản sân khấu Tuồng cung đình Huế. Bởi vì, tình huống là yếu tố hết sức quan trọng trong tất cả các thể loại sân khấu tự sự nói chung và kịch bản sân khấu Tuồng cung đình Huế nói riêng. Trong Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn, tình huống là bối cảnh được tác giả tạo ra để triển khai cốt truyện, để nhân vật suy nghĩ, hành động và bộc lộ tính cách của mình. Xây dựng tình huống nghệ thuật, vì thế, cũng là một trong những phương tiện thể hiện tài năng của tác giả. Ở trong nghệ thuật Tuồng cung đình Huế, tình huống nghệ thuật xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, bao gồm: tình huống bi kịch, tình huống xung đột, tình huống phiêu lưu, tình huống thử thách, tình huống ngẫu nhiên... Mỗi dạng tình huống được tác giả khai thác triệt để ở các cấp độ khác nhau, với mục đích mang lại hiệu quả nhất định cho người đọc và người xem những nội dung tư tưởng mà nghệ thuật Tuồng mang lại.

  • Không gian và thời gian nghệ thuật

          Kịch bản sân khấu Tuồng cung đình Huế được tác giả xây dựng theo kiểu sân khấu ước lệ, cách điệu và tượng trưng, nên diễn viên bằng động tác biểu diễn của mình có thể tạo ra không gian, thời gian trên sân khấu. Nhìn lại đặc trưng kịch bản của sân khấu Tuồng cung đình khi ứng vào nghệ thuật biểu diễn, ta có thể thấy trên con đường thiên sơn vạn thủy, nhân vật chỉ cần đi ba vòng quanh sân khấu, hát ba câu hát nam hay hai câu hát khách, chiếm thời gian chưa đến năm phút nhưng đã diễn tả được hình ảnh nhân vật vừa trải qua một quãng đường dài và dấn thân vào cuộc chiến ác liệt.

                   Vạn lý trường thành tam tứ bộ

                   Thiên binh vạn mã ngũ lục quân.

Việc xử lý không gian, thời gian sân khấu của nghệ thuật Tuồng cung đình dựa trên nguyên tắc cách điệu, ước lệ và tượng trưng. Do đó, đối với đặc trưng kịch bản nghệ thuật Tuồng cung đình Huế, “ba bốn bước” của người diễn viên trên sân khấu là đi được mấy mươi dặm, còn 5, 6 người lính lại được thể hiện được một cuộc chiến đấu ác liệt của “trăm ngựa, nghìn quân”.

Trong các kịch bản sân khấu Tuồng cung đình nói chung, hai vở Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn nói riêng, khi diễn viên hóa thân vào nhân vật, họ có khả năng biểu hiện không gian và làm thay đổi thời gian trên sân khấu. Kim Lân trong vở Tuồng Sơn Hậu vừa mới:

                   Những mảnh xông nơi trận thượng

                   Phút đà thất lạc thứ cung

                   (Nào liệu mần răng! Ừ, phải phải)

                   Trở lại trận trung

                   Đặng kiếm tầm mẫu hậu.

          Thì:

                   Sơn Hậu chốn này đã thực

                   Âu ta tới cập cửa thành

                   Thượng tuấn mã cao nêu

                   Vọng thành đồng trực chiến.

Những người am hiểu loại hình nghệ thuật này cho rằng, lịch sử thực tiễn đã làm cho nghệ thuật diễn xuất trở thành ngôn ngữ nghệ thuật trung tâm của sân khấu Tuồng. Đây chính là lịch sử giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa ba bộ môn tích hợp (diễn, hát và múa). Do đó, khi hình thành nên kịch bản sân khấu Tuồng, các tác giả lấy diễn viên làm trung tâm để tạo nên những nét điểm xuyến nghệ thuật theo không gian, thời gian xảy ra ở một thời điểm nhất định. Các tác giả kịch bản và các nghệ sỹ xưa đã tổng kết nguyên tắc biểu diễn Tuồng bằng hai câu thơ súc tích:

                   Thốn thổ tức triều đình châu quân

                   Nhất thân kiêm phụ tử quân thần

                   (Một tất đất là cả triều đình, châu, quận

                   Một con người là cả cha, con, vua, tôi).

Không gian của sân khấu Tuồng cung đình là không gian động, mới đây là cảnh triều đình, bỗng chốc chuyển thành trận địa; đang là đêm tối bỗng chuyển sang ban ngày; đang là rừng núi, sau đó trở thành dòng sông... Do vậy, không gian, thời gian của đặc trưng kịch bản sân khấu Tuồng cung đình chủ yếu dựa vào cảnh, lớp và đặc biệt theo cách diễn xuất mang tính tượng trưng ước lệ của diễn viên. Và cũng do khác với kịch bản sân khấu hiện thực tâm lý khác, nên Tuồng rất ít bài trí sân khấu, không cần đến trang trí mỹ thuật phông màn cầu kỳ. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Ví dụ, trong vở Tuồng Sơn Hậu khi diễn viên nói:

                   Chúng tôi theo vương sứ

                   Về tâu dộng triều đình (Dịch nghĩa: Dộng là từ cổ. Tâu dộng có nghĩa là tâu vội vàng)

                   Phàn Định Công ỷ thế cậy mình

                   Chém vương sứ xé tan chiếu chỉ.

Với đoạn thoại trên của quân báo, người xem, người đọc có thể biết ngay không gian sân khấu lúc này là cảnh triều đình, thời gian là buổi thiết triều thường nhật của nhà vua. Hay trong vở Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn khi Triệu Tư Cung xướng:

                   Trượng thừa tam bửu tẩy trần duyên

Trương xuất khinh khinh bát nhã thuyền (Dịch nghĩa: Vâng theo

phép Phật rửa sạch chuyện đời, đưa ra con thuyền trí tuệ nhẹ nhàng lướt đi.)

                   Nguyện chửng nhân nhân siêu khổ hải

                    Kham liên cá cá nịch mê xuyên (Dịch nghĩa: Xin cứu vớt loài người vượt qua bể khổ.)

                   Hảo giã, hảo giã

                   Lạc tai, lạc tai!

                   Công danh vô tư lự

                   Phú quý bất quan hoài

                   Bịn rịn mặc lòng ai

                   Nhở nhơ dù chí mỗ

                   Đục rửa chân, trong giặt mão

                   Đói nhờ quế, khát cậy đào

                   Lạc thảo đường xuân thụy tam cao

                   Thắng tử phủ sầu tư bán dạ (Dịch nghĩa: Vui nhà tranh, giấc xuân ngủ tới khi mặt trời mọc cao ba sào. Hơn là phủ tía mà lo buồn đến nữa đêm.)

Với đoạn xướng trên của Triệu Tư Cung, cùng với việc nhân vật mặc áo cà sa, người xem dù không thấy ngôi chùa nào nhưng vẫn biết đó là cảnh chùa. Có thể nói, đối với đặc trưng nghệ thuật kịch bản Tuồng cung đình Huế, không gian và thời gian được tác giả quy định theo từng cảnh, từng lớp. Và Không gian, thời gian ở đây được chuyển tải đến người đọc, người xem thông qua hành động của nhân vật.

Ngoài ra, không gian, thời gian của các kịch bản sân khấu Tuồng cũng được thể hiện ở cách trình diễn đạo cụ của diễn viên. Ví dụ: khi diễn viên đi một vòng quanh sân khấu, vừa đi vừa diễn tả những nỗi mệt nhọc, gian truân đường trường, và cuối cùng một nhân vật khác hiện ra thì phải hiểu rằng nhân vật vừa vượt qua một quãng đường rất dài để đến với nhân vật kia chứ không phải là hai nhân vật chỉ cách nhau vài bước chân.

          Phương Cơ:

                   Rất nên tình tệ

                   Chi xiết kinh hoàng

          (Ai đời anh tôi)

                   Đã lìa khỏi Hồng Sơn

                   Mà theo cùng Văn Hoán!

          (Nay cha tôi đi chưa về, anh tôi lại bỏ nhà theo quân gian ác.Tôi làm sao, à tôi bây giờ)

                   Không thể nào trì hoãn

                   Phải gắng sức truy tìm

                   Quyết chẳng cho đi

                   Kíp theo níu lại…

          Kim Hùng:

                   Chạy trước mau chân ta lánh mặt

          (Con Cơ chạy theo kìa, chắc rồi)

                   Theo sau tìm cách nó ngăn đường.

          Phương Cơ:

                   Rõ anh đà quen thói hung hoang

                   Tin cha ngõ tìm phương cản trở

          Tạ Ngọc Lân:

                   Rất căm phường tặc tử

                   Đã theo lũ gian thần

          (Nói vậy)

                   Tạ gia đành vô phước vô phần

          (Chao ôi!)

                   Triệu thị lại thêm vây thêm cánh

                   Con quyết lòng ương ngạnh

                   Cha nguyệt chẳng dung tha

                   Chỉ tiền lộ bôn ba

                   Bất nhiêu tha đào khứ (Dịch nghĩa: Chẳng để cho nó trốn đi).

Khi đọc và xem diễn viên trình diễn đoạn đối thoại trên, ta có thể nhìn thấy không gian, thời gian được gọi gọn trong mấy nội dung của lời hát, điệu bộ của nhân vật. Ở đó, xuất hiện cảnh Kim Hùng đang ở trong rừng trốn chạy khỏi sự níu kéo của Phương Cơ, và rồi cũng sân khấu đó, Tạ Ngọc Lân xuất hiện gặp Phương Cơ, nghe Phương Cơ kể lại câu chuyện bỏ nhà ra đi của Tạ Kim Hùng trong sự tức giận tột cùng.

Không gian, thời gian nghệ thuật đặc trưng của kịch bản sân khấu Tuồng cung đình qua hai vở Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn, có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính cách của nhân vật, cũng như tư tưởng chủ đề của cốt truyện. Do vậy, khi nhắc đến các nhân vật trong Tuồng Sơn Hậu, người đọc và người xem liên tưởng tới hình ảnh một buổi thiết triều; cảnh tranh giành quyền lực của phe phản thần; thứ hậu bị bắt giam vào ngục thất; giữa đêm tối Nguyệt Hạo và Lê Tử Trình giải cứu thứ hậu đưa đến nhà Đổng Kim Lân; Khương Linh Tá với thân hình không đầu hóa thành ngọn đuốc giữa núi rừng heo hút để dẫn đường cho Kim Lân qua đèo; Đổng Mẫu bị treo trên thượng thành… hay trong Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn, người đọc và người xem liên tưởng đến các chi tiết Triệu Văn Hoán tiếm ngôi; Triệu Tư Cung lên chùa; Phương Cơ qua ải; Tế sống Lão Tạ; lão Tạ và Tạ Kim Hùng đánh nhau trong lửa đỏ… tất cả những hình ảnh gắn liên với không gian, thời gian nói trên đều là sự sáng tạo của người nghệ sỹ nhằm biểu hiện con người và biểu hiện tư tưởng triết lý sống của mình. Và cũng như vậy, khi sáng tạo nên những kịch bản sân khấu Tuồng cung đình Huế, các nhà biên kịch đã xây dựng nên những lớp không gian sân khấu và gắn kết trong đó là những nhân vật kịch biết xoay chuyển để vận chuyển những không gian đang đứng im chuyển động theo kết cấu của nội dung cốt truyện./.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Tôn Thất Bình (2006), Tuồng Huế, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
  2. 2. Trương Trọng Bình (2013), “Sân khấu truyền thống Huế, dưới góc nhìn hiện tại”, Tạp chí Sông Hương, số5.
  3. 3. Lê Ngọc Cầu (1975), “Thử đi tìm cái lõi của Tuồng”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 9.
  4. 4. Hoàng Chương (1986), Mấy vấn đề sân khấu truyền thống, Viện Sân khấu xuất bản, Hà Nội.
  5. 5. Nguyễn Duy Hồng (1986), Truyền thống sân khấu Huế, Nxb. Bình Trị Thiên, Huế.
  6. 6. Vũ Khiêu (Chủ biên) (1993), Nho giáo xưa và nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  7. 7. Hoàng Châu Ký (1973), Sơ khảo Lịch sử Nghệ thuật Tuồng, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
  8.  8. Hoàng Châu Ký (1978), Tuồng cổ (Tập I), Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
  9. 9. Vũ Ngọc Liễn (1987), Chọn và giới thiệu Tuồng Đào Tấn, Nxb. Sân khấu, Hà Nội.
  10. 10. Lê Văn Nghệ (2011), “Ngọn lửa Hồng Sơn - một thành công của đoàn tuồng cung đình Huế”, Tạp chí Sông Hương, số 263.
  11. 11. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (2000), Bảo tồn và Phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế, Kỷ yếu hội thảo khoa học về Tuồng Huế.
  12. 12. Xuân Yến (1994), Những vấn đề Thẩm mỹ đạo lý xã hội trong Tuồng cổ, Nxb. Sân khấu, Hà Nội.

 

Trọng Bình