TRÀ CUNG ĐÌNH: Trà Thảo mộc dưỡng sinh là dạng Phương trà bao gồm một hay nhiều loại thảo dược bào chế và sử dụng giống như trà uống hàng ngày.
Dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide) là ứng dụng công nghệ điện tử hỗ trợ tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm.
Những hình ảnh của kinh thành thời Nguyễn được hiện ra đầy đủ, rõ nét sinh động cùng với những hoạt động, nghi thức hàng ngày trong hoàng cung hàng trăm năm trước.
Bên trong Hoàng cung Huế có tổ chức chụp ảnh lưu niệm cho du khách tham quan dưới trang phục thái thượng hoàng, vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và cung phi.
Để tạo điều kiện cho du khách có cơ hội tham quan khu vực xung quanh Đại Nội và tất cả các điểm du lịch bên trong Đại Nội mà không mất nhiều thời gian.
Du khách có thể liên hệ trực tiếp để đăng ký chương trình tham quan có hướng dẫn đi cùng, du khách có thể liên hệ hướng dẫn ngay tại các điểm di tích.
Xứ Huế với một vị thế đặc biệt của mình đã từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô của nước Đại Việt thời vua Quang Trung, là kinh đô của triều Nguyễn. Và ngay khi chỉ là bộ Việt Thường và nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, một quận Nhật Nam thuộc thời Hán hay Châu Ô, Châu Lý của nước Chămpa, rồi Thuận Hóa của Đại Việt, thì nơi đây vẫn luôn giữ được một vị thế chiến lược, một vùng đất đóng vai trò chiếc cầu trên đường mở nước về phía Nam của các thế hệ tiền nhân. Không dễ gì tìm được một nơi đặc biệt như Huế.
Năm 1306, vua Champa là Chế Mân đã dâng châu Ô và châu Lý cho nhà Trần để làm sính lễ rước công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành. Năm sau (1307), người các thôn La Thủy, Tác Hông, Đà Bồng không chịu phục, vua Anh Tông sai hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến tuyên bố đức ý của triều đình, đổi hai châu Ô, Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu (sau này đổi thành Thuận Hóa). Người Việt bắc đầu di dân, định cư, khẩn đất, lập làng vào thế kỷ XIV tại đây. Thuận Hóa (sau này gọi là Huế) đã nhập vào đất nước Việt.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm chấp nhận cho vào làm trấn thủ đất Thuận Hóa. Lúc này, Thuận Hóa vừa được nhà Lê lấy lại trong tay nhà Mạc, đã đặt tam ty (Đô Ty, Thừa Ty, Hiến Ty) và phủ huyện để cai trị. Ban đầu, các chúa Nguyễn đóng ở Ái Tử (1558-1570), ở Bát Trà (1570-1600), ở Dinh Cát (1600- 1626). Năm 1626, Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh vào làng Phú An (1626 – 1636), thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Từ năm 1636 đến 1687, phủ của các chúa Nguyễn đặt ở Kim Long, cách trung tâm thành phố Huế ngày nay 3km. Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) dời phủ về Phú Xuân (tên cũ của thành phố Huế) lấy núi đằng trước (nay là núi Ngự Bình) làm án, đắp tường thành, xây cung điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng cây hoa rất tráng lệ. Tiền thân của Huế là Thuận Hóa – Phú Xuân. “Huế” là cách đọc trại ra từ chữ “Hóa”. Tuy thành Phú Xuân được xây dựng từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1756) vừa mới lên ngôi, nhưng hơn một nửa thế kỷ loạn lạc, thay ngôi đổi chủ liên miên, văn hóa Huế chưa có điều kiện định hình.
Thế kỷ XIV, người Việt di dân lập làng định cư vĩnh viễn trên mảnh đất này cho đến ngày hôm nay. Do đó, nghệ thuật diễn xướng cung đình nói chung, nghệ thuật Tuồng cung đình Huế nói riêng hình thành vào khoảng thế kỷ XV.
Nghệ thuật diễn xướng cung đình là loại hình diễn xướng chính thống, sử dụng trong các cuộc tế, lễ hoặc các dịp hiếu, hỉ, giải trí của triều đình. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng và phát triển loại hình này, bởi đây là biểu tượng cho vương quyền và sự hưng thịnh của triều đại. Do đó, các qui định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản… của các loại hình diễn xướng này đều rất chặt chẽ, phản ánh tính qui củ qua các định chế thẩm mỹ cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.
Lịch sử của các loại hình nghệ thuật diễn xướng của cung đình Huế, trong đó có Tuồng cung đình được hình thành và phát triển trong bối cảnh lịch sử khá đặc biệt. Năm 1558, trong khi triều đình nhà Lê lâm vào cảnh rối ren, chúa tiếm quyền vua, Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa với ý đồ xây dựng một giang sơn riêng. Sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúa Nguyên (1563 – 1635) với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, thu phục nhân tâm, trọng dụng tướng tài, luyện tập quân sĩ, xây lũy đắp thành, kết hợp với chính sách chiêu dân lập ấp, khai sơn phá thạch nhằm phát triển kinh tế, cũng như mở cửa giao thương với nước ngoài nên đã xây dựng một vương triều độc lập, vững chắc tại xứ Đàng Trong ổn định về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Trong bối cảnh đó, nghệ thuật diễn xướng cung đình được hình thành dựa trên cơ sở kế thừa di sản của các triều đại trước.
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), nghệ thuật diễn xướng cung đình khá phát triển. Bấy giờ có Đào Duy Từ (1572 – 1634), nguyên là người Thanh Hóa, do xuất thân con nhà hát xướng nên không được đi thi ở triều Lê. Thân sinh của Đào Duy Từ là nhạc quan Đào Tá Hán (không rõ năm sinh và năm mất), do sáng tác bài hát phạm tên Trịnh Kiểm nên bị cách chức. Với xuất thân “con nhà hát xướng” như vậy, Đào Duy Từ không được triều đình nhà Lê trọng dụng mà còn bị coi khinh. Phẫn chí, Đào Duy Từ trốn vào Đàng Trong, ở Vũ Xương, sau đó vào Bình Định, gặp trọng thần của chúa Nguyễn là Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa mến mộ tài năng của ông nên đã gả con gái và tiến cử với chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Đào Duy Từ được nhà chúa tin cậy cử trông coi việc binh cơ, giúp xây dựng bộ máy hành chính và tham gia cải cách một số lĩnh vực văn hóa xã hội ở Đàng Trong. Những thành tựu mà họ Đào đã giúp chúa Nguyễn trong các lĩnh vực nói trên đã được ghi rõ trong nhiều sách và tư liệu. Từ điển Văn học Việt Nam, ghi: “Đào Duy Từ đã bày nhiều mưu kế, xây lũy, đắp thành, tuyển quân, luyện tướng, giữ đất, chống lệnh vua Lê, không chịu nạp cống phú, góp phần đắc lực vào việc xây dựng cơ đồ chúa Nguyễn. Chính ông đã dựng hai rặng lũy Trường Dục và Nhật Lệ (còn gọi là lũy Thầy) ngăn đường Nam tiến của quân Trịnh. Khi mất được coi là công thần khai quốc ở Đàng Trong, được truy tặng quận công và được thờ ở Thái miếu”[1] Ngoài ra, ông là người đã có công lớn trong việc xây dựng ngành Hát Bội ở Cung đình chúa Nguyễn và là người sáng tác vở Tuồng Sơn Hậu. Từ điển Văn học Việt Nam, ghi rõ: “ông là có công phát triển nghề Hát Bội, là người khởi thảo vở Tuồng Sơn Hậu, là tác giả của nhiều bài hát và bài vè lưu truyền trong những vùng mới khai phá...”[2] Như thế, Tuồng Sơn Hậu là kịch bản thành văn đầu tiên của ngành Tuồng, cũng là kịch bản thành văn đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, được sáng tác trong khoảng thời gian Đào Duy Từ làm việc dưới trướng chúa Sãi. Vở Tuồng được Đào Duy Từ khởi thảo, về sau có một số tác giả chỉnh biên ở một số lớp. Công tác chỉnh biên chủ yếu là thêm lời Tuồng hoặc thêm một vài hành động trong lớp diễn. Về căn bản vẫn giữ nguyên cốt truyện, chủ đề tư tưởng, tính cách các nhân vật và bố cục vở.
Ngày nay, giới nghệ thuật Tuồng và cổ nhạc Huế vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư và coi năm 1627 là niên đại khởi đầu của lịch sử Tuồng Huế. Nghệ thuật Tuồng đã trải qua 3 thời kỳ phát triển trong dòng văn hóa Phú Xuân, và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Vua Tự Đức (1847 – 1883) đã từng tổ chức đội ngũ sáng tác Tuồng bao gồm những tác gia lỗi lạc trong nước, đứng đầu là Đào Tấn, sau này là tác giả kiệt xuất của nhiều vở Tuồng nổi tiếng như: Bình Địch, Tứ Quốc Lai Vương, đặc biệt là 2 vở: Vạn Bửu Trình Tường (soạn các hồi sau) và Quần Phương Tập Khánh (soạn chung). Một số nhà hát được xây dựng dưới triều Nguyễn nhằm phục vụ bộ môn nghệ thuật Tuồng. Thời kỳ này, Tuồng cung đình là hình thức sân khấu phát triển nhất ở Đàng Trong. Loại hình nghệ thuật này được các chúa Nguyễn và vua Nguyễn về sau rất yêu thích.
Thế kỷ XIX, nền văn hóa dần dần phát triển đến đỉnh cao, nghệ thuật diễn xướng cung đình được xây dựng hoàn chỉnh nhất với các bộ lễ, nhạc, nghi thức tế lễ và các bộ môn nghệ thuật, như Nhã nhạc cung đình, Múa cung đình, Tuồng cung đình,... Lấy nho giáo làm nền tảng tư tưởng, triều Nguyễn rất coi trọng lễ nhạc.
Đời Gia Long (1802 -1820) đã có đội Tuồng cung đình lấy tên Việt Tường đội. Đến đời vua Minh Mạng (1820 – 1840) đổi Việt Tường đội thành Thanh bình thự, gồm một thự trưởng và 121 ca công, vũ công và nhạc công. Trong Tử Cấm Thành, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây Nhà hát Duyệt Thị Đường để biểu diễn nhạc và Tuồng cho vua, hoàng tộc cùng các quan đại thần xem. Ngoài ra, nhà vua còn cho xây dựng nhà thờ các vị tổ ngành hát bội. Giai đoạn này, tương truyền triều đình có mời một nghệ nhân tên là Cang Cung Hầu (? - ?) người Tàu sang dạy hát xướng cho các nghệ sỹ cung đình ở Thanh Bình Thự. Riêng các nghệ nhân ở Huế cho rằng, Can Cung Hầu là ông tổ “hát khách” (hát khách là một làn điệu thường được sử dụng trong nghệ thuật tuồng) dạy các điệu bắc; xưa mả chôn trên khu vườn cam. Ngụy quyền lấy đất xây đồn trại lính và dinh của Ngô Đình Cẩn, nên mả này đã được các cụ bốc lên, di chuyển hài cốt về chôn ở núi Ngự Bình, hiện nay các thế hệ nghệ sỹ Tuồng vẫn thay nhau hương khói.
Đến thời Tự Đức (1848 – 1883), năm 1864 nhà vua cho xây thêm Nhà hát Minh Khiêm Đường tại Khiêm Lăng để thưởng thức nghệ thuật Tuồng những khi nhà vua lên đây nghỉ ngơi. Dưới thời Tự Đức, sự phát triển văn học được chú ý khi Ban Hiệu thư được thành lập. Đây là tổ chức chuyên sáng tác, nhuận sắc, chỉnh lý, hiệu đính Tuồng. Đào Tấn là tác giả có nhiều vở Tuồng sáng tác trong giai đoạn này.
Có thể nói, triều Nguyễn là thời đại hoàng kim của nghệ thuật Tuồng. Thời kỳ này xuất hiện các vở Tuồng có qui mô lớn như: Vạn Bửu Trình Tường, Quần phương Hiến thụy… Những tác giả nổi tiếng thời kỳ này có: Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Gia Ngoạn, Nguyễn Văn Diêu… Các vở Tuồng khuyết danh như: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương (Ngọn lửa Hồng Sơn), … cho đến nay vẫn được xem là những vở Tuồng kinh điển.
[1] (Đỗ Đức Hiếu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển Văn học Việt Nam (Bộ mới), Tr. 379, Nxb.Một thế giới, Hà Nôi).
[2] (Đỗ Đức Hiếu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển Văn học Việt Nam (Bộ mới),Tr. 379, Nxb.Một thế giới, Hà Nôi).