01/04/2022 11:31:05 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Đôi nét về những nghệ sỹ cung đình Huế vừa được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Sáng 10.1.2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 8 tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự có mặt của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách Đảng bộ Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Trong đợt phong tặng lần thứ 8 này, có 102 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 377 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Các nghệ sỹ Nhà hát tại buổi lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Các nghệ sỹ Nhà hát tại buổi lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT

 

Tại đợt trao tặng danh hiệu cao quý lần này, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), vinh dự có Cố NSƯT La Cẩm Vân (nguyên Giám đốc Nhà hát NTTTCĐ Huế, đã mất năm 2014) được truy tặng danh hiệu NSND và 07 nghệ sĩ được phong tặng NSƯT gồm: Trương Tuấn Hải (nguyên Giám đốc Nhà hát NTTTCĐ Huế vừa nghỉ hưu năm 2015), La Thanh Hùng, Ngô Thế Tuệ, Nguyễn Thị Phong Thủy, Hoàng Thị Thu Hằng, Dương Thị Kiều Oanh, Nguyễn Thị Phương Thảo. Đây là những nghệ sỹ đã đạt nhiều giải thưởng trong các đợt liên hoan, hội diễn, hội thi toàn quốc về sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng riêng.

Dưới đây là những bài viết về các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế vừa được công nhận NSND, NSƯT trong đợt này.

Cố NSND La Thị Cẩm Vân

Cố NSND La Thị Cẩm Vân

NSND La Cẩm Vân có quê quán ở làng Hà Trung, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng số phận đã đưa đẩy chị cất tiếng khóc chào đời ngay trong Đại Nội vào một ngày cuối tháng 9 năm 1952. Dù sinh ra và lớn lên không chứng kiến được ánh hào quang của chốn hoàng cung cũng như sự hưng thịnh của nghệ thuật diễn xướng cung đình, nhưng dư âm còn đọng lại của quá khứ vàng son ấy cũng đủ chắp cánh thêm cho tài năng của chị bay cao, bay xa trên bước đường dấn thân vào nghệ thuật sau này.   

Hơn ai hết chị biết rõ những khó khăn, thách thức bởi những nhân chứng sống như phụ thân của chị không còn nhiều, tư liệu thành văn thì ít ỏi. Đấy là chưa kể từ ghi chép đến phục dựng trên thực tế là một khoảng cách không tưởng, bởi rằng tìm người để truyền dạy cũng là một vấn đề nan giải. Mặc dù vậy, chị cùng với các đồng nghiệp cũng đã phục dựng thành công 8 trong số 11 vũ khúc cung đình của triều Nguyễn. Năm 1987 từ những thành công ban đầu, chị được đề bạt làm trưởng Đoàn Nghệ Thuật Truyền Thống Huế. Những đóng góp của chị đã được nhà nước nghi nhận khi năm 1993 chị được phong tặng danh hiệu NSƯT (đây là danh hiệu NSƯT dành cho lĩnh vực múa cung đình duy nhất và đến bây giờ chỉ có mình chị là người được công nhận – NV).

Năm 2007, chị được nghỉ hưu theo chế độ (lúc đó chị đang làm Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế), chia tay nghiệp diễn sân khấu nhưng trong chị vẫn còn ấp ủ nhiều dự án khôi phục những vũ khúc của múa cung đình Huế. Tuy vậy, năm 2014, chị đã từ giã cõi đời về nơi an nghỉ cuối cùng do bệnh nặng, hưởng thọ 62 tuổi. Ghi nhận công lao đóng góp của chị dành cho nghệ thuật, ngày 22/12/2015, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu NSND.  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NSƯT Trương Tuấn Hải

NSƯT Trương Tuấn Hải

Sinh ra là thế hệ thứ 4 trong một đại gia đình đã 4 đời sinh tử với nghiệp Tuồng. Lên 9 tuổi, ngoài học hát, múa, đánh trống, là con thứ 3 của dòng họ, anh đã bắt đầu lên sân khấu trong những vai nhí. Nhưng ý thức về những vinh quang và bọt bèo của thân phận một nghệ sĩ tuồng thì đã ngấm sâu vào anh khi chứng kiến trọn vẹn sự tan tác và phá sản của một loại hình nghệ thuật đã gắn với số phận của bao nhiêu cuộc đời qua 4 thế hệ trong gia đình của anh. Nhưng dù sao, đó là thứ gia sản duy nhất và là món nợ tâm linh tổ tiên để lại mà anh không thể chối bỏ.

Cuộc đời của NSƯT Trương Tuấn Hải là một chuổi ngày dài, bởi anh đã phải trải qua nhiều công việc để kiếm sống và mong gìn giữ ánh hào quang còn sót lại của gia đình.

Năm 1996, hay tin Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khôi phục lại Nhà hát Duyệt Thị Đường nhằm bảo tồn ca múa nhạc cung đình và tuồng Huế, Hải đã bỏ công việc, viết đơn xin gia nhập, mặc sự phản đối, can ngăn của cả họ hàng. Năm 1998, anh bán căn nhà nhỏ của mình, lấy tiền đi học lớp Đạo diễn sân khấu ở Trường đại học sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp khóa học, với tấm bằng Đạo diễn xuất sắc, anh trở lại Nhà hát Duyệt Thị Đường để làm người nghệ sỹ, và sau này dù là Giám đốc của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huể (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế) anh vẫn tham và đã dàng dựng thành công nhiều vở tuồng như: Người khởi nghiệp Đàng trong, Trái tim người nghệ sỹ, Chí sỹ Trần Cao Vân, Trương Ngáo đòi nợ Phật, Máu lửa ngập Thiên Trường… Năm 2015, anh đã hoàn nhiệm vụ của một cán bộ quản lý và về nghỉ hưu theo chế độ.

Sau những cây đại thụ còn lại như: Cố nghệ nhân La Cháu, NSND La Cẩm Vân đã trở thành người thiên cổ… thì những người như NSƯT Trương Tuấn Hải, NSƯT Thanh long, NN La Nguyên, NSƯT La Thanh Hùng… là thế hệ cuối cùng, hiếm hoi còn lại đã sống với tuồng Huế bằng người trong cuộc. Danh hiệu NSƯT anh vừa được trao tặng chính là phần thưởng xứng đáng cho niềm đam mê không biết mệt mỏi của anh.

NSƯT La Thanh Hùng

NSƯT La Thanh Hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NSƯT La Thanh Hùng có gốc gác ở làng Hà Trung (Vinh Hà, Phú Vang, Thừa Thiên Huế), nhưng tuổi thơ của anh đã gắn chặt với Hữu Vu – Đại Nội Huế, nơi gia đình anh  đang cố gìn giữ chút ánh hào quang còn lại của nghệ thuật tuồng cung đình. Anh kể, năm 1972, vừa tròn 8 tuổi, anh được ba mình đưa vào lớp Đồng Ấu để học tuồng và múa hát cung đình, với mong muốn anh  sẽ là người kế tục gìn giữ những giá trị di sản mà cả gia đình anh đã trót gửi nghiệp đam mê.  

Dù còn nhỏ, nhưng anh hiểu được nổi đau đáu của người cha, có lẽ vậy nên tuổi thơ của anh là những chuổi ngày miệt mài học tập và rèn luyện dưới sự dìu dắt của nghệ nhân Viêm Bờ (con thầy Đội Em – nguyên là đội trưởng đội diễn viên dưới triều Nguyễn) và các nghệ nhân đã từng một thời là diễn viên cung đình dưới triều Nguyễn như: Bát Phẩm, Bát Lễ, Bát Am... được sự tận tâm dạy dỗ của những người thầy “có nghề”, năng khiếu bẩm sinh của La Hùng ngày càng được bộc lộ rõ nét, ngoài việc thể hiện xuất sắc các vai diễn đúng với mong muốn của những người thầy, kỹ năng kẻ mặt nạ tuồng cũng dần thẩm thấu vào anh như một định mệnh, để ngày vào nghề anh nhớ mãi hai câu thơ: Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.  

Năm 1993, với vai diễn Châu Xương anh đã được trao huy chương vàng trong “Hội diễn các trích đoạn tuồng – chèo hay” tổ chức tại Huế. Không dừng lại ở đó, năm 1995, trong đợt hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Huế, anh tiếp tục dành được huy chương bạc khi hóa thân vào vai hề Xíu trong vở tuồng “Đặng Huy Trứ”.

 Năm 1997, sau khi tốt nghiệp đạo diễn, anh về làm giảng viên giảng dạy tuồng và múa hát cung đình tại Trường Trung học văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Tại đây, anh đã biên soạn thành công giáo trình đào tạo giảng dạy tuồng và múa hát cung đình đầu tiên của Huế.

Năm 2000, anh quay lại làm việc tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế (Sau này là Nhà htas Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế) với mong muốn cùng chị gái của mình, là cố NSND La Cẩm Vân khôi phục lại vốn cổ của sân khấu tuồng Huế. Được sự quan tâm của nhà nước, anh đã cùng với những người trong gia đình xây dựng thành công nhiều vở diễn tuồng, trong đó vở tuồng lịch sử “Sóng ngầm trong phủ chúa” do anh làm đạo diễn đã xuất sắc dành giải A tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng. Vừa làm đạo diễn vừa làm diễn viên, năm 2004 khi hóa thân vào vai vua Tự Đức, trong vở tuồng “Bùi Viện” anh được ban tổ chức hội diễn trao huy chương bạc. Cũng tại thời điểm này, nhiều bộ trang phục tuồng cung đình Huế, nhiều chiếc mặt nạ tuồng do anh kẻ đã được triển lãm trong các đợt Festival chuyên đề; Năm 2013, vở tuồng “Nổi niềm đấng quân vương” do anh làm đạo diễn cũng đã xuất sắc dành giải bạc (không có giải vàng).

 Với những đóng góp, và thành công nhất định dành cho nghệ thuật sân khấu tuồng, ngày 22/12/2015 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

NSƯT Phương Thảo

NSƯT Phương Thảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NSƯT Phương Thảo có quê quán ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhưng tình yêu nghệ thuật đã đưa chị đến với sân khấu truyền thống như chút duyên mà chị gặp phải khi còn là một thiếu nữ tuổi 17 đầy mộng mơ. Đó là những ngày giữa thập niên 80, khi đất nước còn khó khăn, chị rời miền đất Quảng Bình chang chang nắng gió để vào học sân khấu tuồng và múa hát cung đình tại Trường nghiệp vụ VHTT Bình Trị Thiên (nay là Trường Trung học VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế).

Năm 1987, sau những ngày dài miệt mài tập luyện để trở thành một nghệ sỹ ca múa cung đình và tuồng cung đình Huế, chị về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế (Năm 2006, Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế và Đoàn Nghệ thuật cung đình Huế nhập lại lấy tên, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế - NV). Tại đây nhiều vai tuồng như: Cúc Hoa trong vở tuồng “Phạm Công – Cúc Hoa”, Tố Lan trong vở “Chuyện tình Hoa Trinh Nữ”, Tống Thị trong vở “Sóng ngầm trong phủ chúa”, vợ Trần Bình Trọng trong vở “Máu lửa ngập Thiên Trường”… đã giúp chị gặt hái được nhiều thành công, qua đó chị đã khẳng định mình là người diễn viên có nghề, biết sống và hóa thân vào từng nhân vật. Và những cố gắng miệt mài của chị đã được đền đáp, khi năm 1990, với vai diễn Hoàng Phi trong vở tuồng “Tổ quốc ngai vàng” chị được trao huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; Năm 2003, tại Liên hoan sân khấu khu vực Miền Trung và tây Nguyên, với vai diễn Tông Thị trong vở “Sóng ngầm trong phủ chúa” chị được trao huy chương vàng; Năm 2013 với vai diễn vợ Trần Bình Trọng trong vở “Máu lửa ngập Thiên Trường” chị được trao huy chương bạc trong cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc;… Ngoài ra, chị còn nhận được nhiều giải thưởng khác do các cấp quản lý trao tặng cho sự đóng góp vì sự nghiệp nghệ thuật của chị.

NSƯT Ngô Thế Tuệ

NSƯT Ngô Thế Tuệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sinh ra và lớn lên ở miền quê xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, NSƯT Ngô Thế Tuệ ước một ngày nào đó mình cũng được trở thành diễn viên, được đứng trên sân khấu, được hóa thân vào từng nhân vật, được hát những câu hát khách, những câu nam ai, nam bình… phục vụ khán giả. Thấy con có năng khiếu, bố mẹ Tuệ và gia đình luôn động viên Tuệ bằng câu nói: “Sau này con muốn đi theo con đường nghệ thuật, bố mẹ sẽ ủng hộ, nhưng điều quan trọng nhất là bố mẹ thấy con hạnh phúc với niềm đam mê mà con đã lựa chọn”.

Năm 1994, Tuệ đã trúng tuyển vào lớp diễn viên tuồng do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kết hợp với Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng đào tạo, được thầy cô trong Hội đồng tuyển sinh đánh giá là một nghệ sỹ có tiềm năng. Và cũng bắt đầu từ đây, Tuệ đến với nghiệp hát tuồng bằng những bước đi chập chững dưới sự dìu dắt của các thầy cô như: cố GS Hoàng Châu Ký, Nghệ nhân tuồng Hồ Hữu Có, cố NSƯT Ngô Thị Liễu, NSND Nguyễn Minh Ngọc, NSND Lê Tiến Thọ, cố NSND La Cẩm Vân, NS La Nguyên, Đạo diễn La Hùng…

Thời gian như đã chứng minh cho những cố gắng không biết mệt mõi của Tuệ, khi năm 2011 Tuệ đã được trao huy chương bạc với vai diễn Trung Thiên (người lái xe của vua Duy Tân) trong vở tuồng “Chí sĩ Trần Cao Vân” tham gia Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010; không dừng lại đó, năm 2011 khi tham gia Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc Tuệ tiếp tục đạt huy chương bạc với vai diễn Khắc Minh trong vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn”; cũng trong năm 2011 này, Tuệ tiếp tục được trao huy chương vàng khi hóa thân vào nhân vật Trương Ngáo trong vở tuồng “Trương Ngáo đòi nợ Phật” trong đợt Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất, được tổ chức tại thành phố Quảng Ninh. Có thể nói, dưới ánh đèn sân khấu – Thánh đường của người nghệ sỹ, Tuệ ngày một trưởng thành hơn, điều này có thể khẳng định bởi sau hai năm được trao huy chương vàng (2011), năm 2013 với vai diễn Hoàng đế Thành Thái trong vở tuồng lịch sử “Nổi niềm đấng quân vương” Tuệ đã tiếp tục được trao huy chương vàng trong cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013.  

Với những đóng góp, và thành công nhất định dành cho nghệ thuật sân khấu tuồng, ngày 22/12/2015 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

NSƯT Hoàng Hằng

NSƯT Hoàng Hằng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NSƯT Hoàng Hằng có quê quán ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng Hằng đã cất tiếng khóc chào đời nơi miền quê yêu dấu của  mẹ thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nơi có con sông Kiến Giang – dòng sông của điệu hò khoan Lệ Thủy nổi tiếng mượt mà nhưng da diết. Năm 1996, Hằng theo học kịch hát dân tộc, chuyên ngành diễn viên ca kịch Huế, dưới sự dìu dắt của các thầy cô như: NSND Ngọc Bình, NGƯT Cao Chí Hải, Kim Liên… Sau khi tốt nghiệp, Hằng và những người bạn vẫn phải bơ vơ vì sân khấu truyền thống không còn được giới trẻ đón nhận.

Năm 2000, biết tin Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) tổ chức tuyển diễn viên tuồng và múa hát cung đình, dù không đúng với chuyên ngành mình đã học, nhưng Hằng vẫn nộp đơn thử sức. Hằng bảo, dù chưa biết hát tuồng và múa cung đình nhưng em sẽ cố gắng thuyết phục hội đồng tuyển chọn bằng khả năng diễn xuất và năng khiếu lĩnh hội sân khấu của mình. Rồi ngày đó cũng là ngày Hằng vui nhất, vì Hằng là người được hội đồng thi tuyển chọn lựa để cùng với các nghệ sĩ cung đình Huế tiếp tục gìn giữ những giá trị di sản của cha ông để lại. Từ đây, cuộc đời nghệ sĩ của Hằng đã bắt đầu bước sang một trang mới, làm diễn viên tuồng và múa hát cung đình Huế.

Trở thành người nghệ sĩ cung đình, Hằng được các anh chị đi trước dìu dắt và hướng dẫn từng động tác múa cung đình, từng vai diễn tuồng cung đình – loại hình nghệ thuật sân khấu lần đầu Hằng biết đến và tập diễn. Không phụ sự tin tưởng của đồng nghiệp, Hằng ngày một toàn diễn hơn. Và những thành tích ban đầu cũng đã đến khi năm 2005, Hằng đã dành huy chương vàng trong “Liên hoan tiếng hát dân ca Việt nam” tổ chức tại Hà Nội; không dừng lại ở đó, năm 2011, Hằng tiếp tục được trao huy chương bạc khi hóa thân vào nhân vật Như Ý trong vở tuồng “Trương Ngáo đòi nợ Phật” tham Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất, được tổ chức tại thành phố Quảng Ninh. Được học tập và được “diễn” nên nghề nghiệp của Hằng cũng ngày được trau dồi, có thể nói Hằng như viên ngọc thô đang được mài dũa để sáng hơn, điều này có thể khẳng định khi sau hai năm được trao huy chương bạc (2011), năm 2013 tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, tổ chức tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, với vai diễn Diệu Hương trong vở tuồng lịch sử “Nổi niềm đấng quân vương” Hằng đã tiếp tục được trao huy chương vàng; Năm 2014, tại cuộc thi tài năng trẻ sân khấu tuồng toàn quốc, với vai diễn Tam Bành trong trích đoạn “Trương Ngáo” Hằng tiếp tục được ban tổ chức được trao huy chương vàng.

Dù con đường đến với nghệ thuật sân khấu tuồng đối với Hoàng Hằng còn lắm chong gai, nhưng với danh hiệu NSƯT chị vừa được Nhà nước trao tặng là phân thưởng xứng đáng dành cho những nổ lực của chị.

NSƯT Phong Thủy

                             
NSƯT Phong Thủy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

Lớn lên ở một miền quê bên dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tuổi thơ NSƯT Phong Thủy gắn liền với những làn điệu dân ca, đặc biệt là điệu hò khoan Lệ Thủy. Năm 17 tuổi, chị trúng tuyển và theo học tại trường Trung học VHNT – Huế. Sau 3 năm học tập, năm 1999 chị tốt nghiệp và vinh dự cùng với 60 học sinh, sinh viên toàn quốc ra Hà Nội nhận bằng khen do Bộ trưởng bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch trao tặng cho học sinh, sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật.

Sau khi ra trường, chị về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế (Năm 2006, Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế và Đoàn Nghệ thuật cung đình Huế nhập lại lấy tên, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế - NV). Năm 2003, chị nhận vai Tiết Cương trong trích đoạn “Kỷ Lan Anh lạc đẻ”. Chị tâm sự, chị thực sự lúng túng vì đây là vai kép, nhưng với sự động viên dạy dỗ của nghệ nhân La Nguyên và cố NSND La Cẩm Vân,  nên chị cũng đã hoàn thành vai diễn và nó đã mang lại cho chị giải tài năng triển vọng trong Hội thi tài năng trẻ toàn quốc 2003. Sau này, với những cố gắng không ngừng trong việc rèn luyện nghề nghiệp, chị đã gặt hái được nhiều thành công hơn cả mong đợi như: Năm 2007, chị đạt giải C trong cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc với vai diễn Bùi Thị Xuân; Năm 2008, đạt huy chương Bạc trong Liên hoan Tuồng toàn quốc với vai diễn Xuân Linh trong vở “Đào Duy Từ”; Năm 2010, đạt huy chương Bạc trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai diễn Nhân Ngọc trong vở “Trần Cao Vân”; Năm 2011 đạt huy chương Bạc trong Liên hoan Tuồng truyền thống toàn quốc với vai diễn Nữ chúa trong vở “Ngọn Lữa Hồng Sơn”; Năm 2011 đạt giải vàng trong liên hoan sân khấu hài toàn quốc với vai diễn Tam Bành trong vở “Trương Ngáo”; Năm 2013, chị tiếp tục được trao huy chương vàng khi hóa thân vào vai diễn Ái Nương trong tuồng “Máu lửa ngập Thiên Trường”...

Đối với NSƯT Phong Thủy, một vai diễn là một kỷ niệm, cũng như sự trải nghiệm mà người diễn viên phải sống với đời sống của nghệ thuật sân khấu tuồng. Với những thế hệ nghệ sỹ lớn tuổi, Phong Thủy là gương mặt triển vọng của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Và danh hiệu NSƯT chị vừa được Nhà nước trao tặng chính là phần thưởng xứng đáng mà chị hằng mong ước.

NSƯT Dương Kiều Oanh

NSƯT Dương Kiều Oanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

So với nhiều nghệ sỹ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tại Huế, Dương Kiều Oanh là NSƯT trẻ nhất về tuổi đời. Tuy vậy, cô may mắn được sinh ra trong một gia đình có bố đã từng là nghệ sỹ của Đoàn nghệ thuật Bình Trị Thiên và các anh chị trong gia đình đều hoạt động trong ngành nghệ thuật, nên cô đã sớm bén duyên với sân khấu tuồng khi vừa tròn 15 tuổi.

Với NSƯT Dương Kiều Oanh, khi được hóa thân vào nhân vật trong các vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Nghêu-Sò-Ốc-Hến”, “Hộ Sanh Đàn”… chính là lúc cô có nhiều trải nghiệm cuộc đời mình với đời sống sân khấu. Và những thành công đã đến với cô như là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho niềm đam mê nghề nghiệp như: năm 2007, với vai diễn Kỷ Lan Anh trong vở tuồng “Hộ sanh đàn”, cô được trao giải B trong Liên hoan tài năng trẻ sân khấu tuồng chèo toàn quốc; năm 2008, trong Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống cô được trao huy chương bạc khi thể hiện vai diễn Ngọc Mai trong vở tuồng “Đào Duy Từ”; năm 2011, cô được trao huy chương vàng khi hóa thân vào vai diễn Phương Cơ trong vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn” tại liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc; Năm 2011, Kiều Oanh được trao huy chương vàng khi hóa thân vào vai Thị Hến trong vở tuồng “Nghêu-Sò-Ốc-Hến” trong liên hoan sân khấu tuồng hài toàn quốc; năm 2013, Kiều Oanh tiếp tục được trao huy chương bạc khi hóa thân vai vào vai diễn Hoàng Quý Phi trong vở tuồng “Nổi niềm đấng quân vương” trong Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca chuyên nghiệp toàn quốc…

Vào nghề từ khi còn rất trẻ, Kiều Oanh đã để lại nhiều vai diễn ấn tượng kèm theo là những giải thưởng ghi nhận bước đường thành công của cô. Tuy vậy, danh hiệu NSƯT chính là phần thưởng cao quý đánh dấu sự nghiệp vì nghệ thuật của cô./.

Trọng Bình