Trong các vũ khúc cung đình, múa Lục cúng hoa đăng là một vũ khúc được bắt nguồn từ phật giáo được vua Minh Mạng (1820 - 1839) cho viện Hàn Lâm sửa chữa vũ khúc này để biểu diễn trong các ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ và lễ cúng mụ của triều đình. Tên gọi Lục cúng hoa đăng chính thức có từ thời ấy.
1. Đặc điểm
Vũ khúc cung đình Lục cúng Hoa đăng có 6 lần cúng, tương ứng với mỗi lần cúng là dâng lên một thứ lễ vật như: Hương, hoa, đăng, trà, qủa, thực (bánh bột trộn đường). Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề thì Lục Cúng hoa Đăng có từ thời cổ do các vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta và được biểu diễn ở các chùa lớn thuộc hạt Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Thường Tín… Nơi thờ Phật Tứ Pháp gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Diện. Đây là 4 vị Phật giúp cho dân có được mùa lúa tốt. Nghi thức múa Lục cúng hoa đăng tại các chùa ngày xưa do hai vị tăng mặc áo cà sa màu vàng, đầu đội mũ thất Phật trình diễn. Khi múa hai vị sư chỉ cử động hai cổ tay để kiết ấn, xả ấn, hai bàn chân khẻ rê đi dàn ra theo hình chữ "nhật" (lúc dâng hương), hình liên hoa bốn cánh (lúc dâng hoa), hình chữ "á" (lúc dâng đăng), hình chữ "thủy" (lúc dâng trà), hình chữ "vạn" (lúc dâng quả) và hình chữ "điền" (lúc dâng thực). Về sau, các vị tăng không còn múa nữa mà lại dùng 4 hoặc 8 em nhỏ hóa trang thành Kim Đồng, Ngọc Nữ múa thay. Các em này đầu đội mũ trang kim, mặc áo màu, chân đi bít tất trắng, trên hai khuỷu tay có vắt một mảnh lụa màu vàng nhạt, lúc múa thỉnh thoảng lại tung mảnh lụa lên. Ứng với 6 lần múa có 6 khúc hát, điệu hát ngân nga, du dương, trầm tĩnh. Dứt một khúc hát nhạc công gõ vào não bạt và đánh trống đỗ hồi.
Biểu diễn vũ khúc cung đình Lục cúng hoa đăng tại Trụ sở UNESCO (Pari - Pháp)
Trong quá trình phát triển, múa Lục cúng hoa đăng biến thành một điệu múa có số đông người múa. Đây là loại múa hình tượng, có sử dụng các yếu tố xiếc. Các thế tay được kết hợp với các thế chân và động tác chân. Thủ pháp biểu hiện và những hình tượng dùng để thể hiện nội dung lời hát bằng cách xếp chồng người; ba người đứng thành hàng ngang, gác tay lên vai nhau và dang tay ở hai đầu hàng ngang. Người đứng giữa làm trụ, cõng người thứ tư trên vai. Người thứ sáu ngồi trên những cánh tay gác lên vai những người đứng dưới. Tất cả đều cầm đèn.
Dù môi trường diễn xướng trong cung đình, hay chùa chiền thì giai điệu hát "Tán" của nhà Phật mỗi khi trình diễn điệu múa này vẫn được giữ nguyên. Tuy vậy, mục đích để trình diễn Lục cúng hoa đăng trong Phật giáo và cung đình có sự khác nhau. Đó là, trong khi Lục cúng hoa đăng trong cung đình thường được trình diễn trong các ngày lễ Thánh thọ, Vạn thọ, Tiên thọ và lễ cúng mụ của triều đình, thì ở Phật giáo vũ khúc này chỉ được trình diễn ở những hoàn cảnh đặc biệt như: Trong các lễ lạc thành, an vị hay lễ hội, vía Phật… (nếu có tổ chức giải oan bát độ, trai đàn chẩn tế thì vũ khúc này cũng được trình diễn). Biểu diễn vũ khúc Lục cúng hoa đăng trong Phật giáo là để nguyện cầu cho những người đã khuất, giải thoát oan khiên. Ngoài những mục đích nói trên thì biểu diễn vũ khúc này cũng còn có ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người còn sống được thái bình, hạnh phúc, an lạc…
2. Múa Lục cúng hoa đăng trong nhà chùa
Đạo Phật là tôn giáo được đông đảo quần chúng ở Huế tôn thờ. Có 80% dân chúng là tín đồ. Ngày lễ Phật Đản 14 tháng 4 âm lịch là ngày chuẩn bị cho đại lễ, các gia đình và chùa chiền ở Huế trang hoàng nhà cửa, treo đèn, kết hoa. Quan trọng nhất là bàn thờ Phật, hương, hoa, trầm, trà được trưng bày một cách huy hoàng, đẹp mắt. Riêng các ngôi chùa lớn ở Huế Phật tử tập trung về để tụng niệm, nội dung chủ yếu là tán thán công đức của Đức Thế Tôn, bắt đầu buổi lễ, trong buổi lễ hoặc cuối buổi lễ, các Phật tử dâng hương hoa cúng dường lên đức Phật. Đặc biệt trong quá trình diễn ra buổi lễ, các Phật tử và nhà sư của chùa tổ chức biểu diễn điệu múa Lục cúng hoa đăng. Đây là điệu múa do các vị sư Ấn Độ cổ đại truyền vào nước ta thông qua hình thức truyền bá đạo Phật. Tuy nhiên khi được hòa nhập vào văn hóa Việt Nam, điệu múa này đã trở thành một dấu ấn văn hóa riêng biệt của người Việt. Dù rằng điệu múa được tiếp nhận thông qua con đường tín ngưỡng tôn giáo, nhưng tính chất ngoại lai của điệu múa đã biến mất và không hề tồn tại (điều này chúng ta có thể thấy rỏ khi nhìn vào các điệu múa của Ấn Độ, tất cả các điệu múa đều có tiết tấu rộn ràng. Khác hẳn với sự uy nghi, nghiêm trang, tôn kính nơi cửa Phật của người Việt). Phải chăng, do nhà sư ở các chùa chiền lúc đó đã biết chọn lựa những cái tinh túy, dễ truyền đạt để các tín đồ Phật tử dễ dàng cảm nhận được các trình thức nghi lễ diễn ra nơi cửa Phật? Có thể nói ngay sau khi xuất hiện nơi cửa Phật của người Việt Nam, điệu múa Lục cúng hoa đăng đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang tính đặc trưng riêng biệt của chốn chùa chiền, điều này chúng ta rất dễ nhìn thấy trong các dịp lễ lớn của đạo Phật.
Biểu diễn vũ khúc cung đình Lục cúng hoa đăng tại đền thờ Huyền Trân công chúa
So với trình thức biểu diễn điệu múa Lục cúng hoa đăng trong cung đình thì múa Lục cúng hoa đăng ở các Nhà chùa lại có nội dung, ý nghĩa và cách thức trình diễn có phần khác hơn. Theo một số Thượng tọa trong ban nghi lễ của Hội Phật giáo Thừa Thiên Huế như: Thích Từ Phương ở chùa Tây Thiên và Thích Thanh Liên ở chùa Từ Hóa thì Lục cúng Hoa đăng là điệu múa với mục đích dâng lên Tam bảo, cúng dường chư Phật, để cầu nguyện cho quốc thái dân an, đạo pháp trường tồn, âm siêu dương thái, chúng sanh an lạc…
3. Múa Lục cúng hoa đăng trong cung đình
Trong xã hội thời Nguyễn, người ta đặt đạo đức, lễ nghĩa lên hàng đầu. Bấy giờ, ở nước ta có đặc điểm tôn giáo đa thần. Nhưng tựu trung các Tôn giáo đề cao lễ nghĩa, đạo đức. Tôn giáo được triều đình Nhà Nguyễn xem trọng nhất là Nho giáo. Vì vậy triết lý Nho giáo ảnh hưởng mạnh đến toàn xã hội, kể cả trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Cũng chính vì yếu tố này nên nghệ thuật tuồng, một loại hình nghệ thuật được ưa chuộng thời đó cũng luôn thể hiện sự trung quân, ái quốc, tôn trọng các phép tắc, lễ nghĩa Nho giáo. Các vở tuồng khi trình diễn cho vua xem phải tuân theo nhiều qui luật như: không được ngồi đối diện với vua, không được xoay lưng vào vua, không được nói những câu “phạm húy” (các câu nói có chữ trùng với tên vua hay tên của những người trong hoàng tộc). Từ đây chúng ta có thể suy luận rằng, tất cả các loại hình nghệ thuật khi được trình diễn trong cung đình đều phải tuân theo qui định nghiêm ngặt này.
Biểu diễn vũ khúc cung đình Lục cúng hoa đăng trong Nhà hát Duyệt Thị Đường
Nhà vua được sùng thượng ngang với trời đất, thánh thần nên các loại hình nghệ thuật như: âm nhạc, hay múa cung đình dùng trong các nghi lễ cũng có thể diễn tấu trong yến tiệc cung đình để vua giải trí. Đặc biệt, trong các điệu múa nghi lễ thì có điệu múa Lục cúng hoa đăng. Đây là điệu múa mang đậm tính triết lý của phương Đông bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt.
Trong các vũ khúc cung đình thì múa Lục cúng hoa đăng là một vũ khúc được bắt nguồn từ phật giáo. Theo "Những đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam" thì đến đời Minh Mạng (1820 - 1839), vua sai viện Hàn Lâm sửa chữa vũ khúc này để biểu diễn trong các ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ và lễ cúng mụ của triều đình. Tên gọi Lục cúng hoa đăng chính thức có từ thời ấy. Sau khi được đưa vào cung đình thì cách thức trình diễn đã được nâng lên theo một cấp độ khác như: Số lượng biên chế trong đội múa có 48 vũ sinh vừa nam vừa nữ má phấn môi son hóa trang thành Kim đồng - Ngọc nữ. Tất cả đều đội mũ hoa sen, thắt dây kết bông, trong mặc áo lót màu lục, tay đính võ lừa([1]) ngoài mặc áo mã tiên, xiêm trường, quần giáp([2]), chân quấn sà cạp, hai tay cầm hai chậu đèn hoa sen vừa múa, vừa hát trong ánh đèn lung linh mờ ảo, nhưng trang nghiêm và không kém phần lộng lẫy.Thời điểm mà vũ khúc Lục cúng hoa đăng được đưa vào cung đình thì nó đã phát triển gần đến độ hoàn thiện. Chính vì vậy, Lục cúng hoa đăng là một điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc cung đình của triều Nguyễn.
Múa Lục cúng hoa đăng là sự phát triển tiếp tục của nghệ thuật múa tôn giáo. Tuy nhiên, do quan niệm thống trị thời phong kiến, cũng như phong cách trình diễn tại chốn cung đình nên nghệ thuật múa và nội dung có phần hạn chế do sợ phạm húy, điều này buột các nghệ nhân, nghệ sĩ thời đó khi truyền dạy điệu múa cung đình nói chung và Lục cúng hoa đăng nói riêng, đã phải hạn chế sự phát triển phần nào của động tác, đội hình và tuyến múa.
Sau khi trở thành một điệu múa mang tính chất nghi lễ của chốn cung đình, vũ đạo và động tác của điệu múa này cũng có ít nhiều thay đổi. Chúng ta có thể thấy vũ đạo được dùng trong điệu múa Lục cúng hoa đăng khi biểu diễn trong chốn cung đình, chủ yếu là vũ đạo của nghệ thuật tuồng. Phải chăng lúc này nghệ thuật tuồng đang là thời kỳ cực thịnh, do đó các vũ sư sau khi tiếp nhận điệu múa này đã lấy vũ đạo của nghệ thuật tuồng để thay thế cho những động tác múa trước đó?
Lục cúng Hoa đăng là một điệu múa được kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, vũ đạo và ca từ. Nội dung cụ thể và sự sinh động của nó, chỉ được truyền đạt trọn vẹn qua sự trình diễn trong một môi trường cụ thể mà nó đang xảy ra. Có lẽ chính vì vậy, nên khi được đưa vào chốn cung đình, cái toàn vẹn tổng thể cũng như chiều sâu và bề nổi của điệu múa Lục cúng Hoa đăng đã được giới quan lại viện Hàn Lâm triều đình nhà Nguyễn lưu ý với mục đích làm cho nó hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với môi trường diễn xướng là chốn cung đình. Tuy nhiên, mặc dầu được du nhập vào cung đình, nhưng các ca từ bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi đức Phật vẫn được giữ nguyên.
Ví dụ: Trong khúc hát thứ 5 (Tán phật diện).
Phật diện do như tinh mãn nguyệt
Diệc như thiên nhật phóng quang minh
Viên quang phổ chiếu ư thập phương
Hỉ xả từ bi giai cụ túc.
Dịch nghĩa:
Mặt phật như trăng trong đầy đặn
Cũng như nghìn mặt trời tuôn ánh sáng
Hào quang viên mãn soi đủ mười phương
Hỉ, xả, từ, bi đều đủ cả.
Hay trong khúc hát thứ 6 (Tán khể thủ)
…Tự qui y phật
Đương nguyện chúng sinh…
Nhất thiết vô ngại
…
Dịch nghĩa:
…Tự mình qui y phật
Nguyện khắp chúng sinh…
hết thảy không lo ngại
…
***
Nếu chúng ta xâu chuỗi những chấm phá trong quá trình phát triển của vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” kể từ khi hình thành cho cho đến lúc được sửa chữa và đưa vào cung đình, ta sẽ thấy đây là một quá trình tìm tòi, tiếp thu những cái hay, cái đẹp từ văn hóa Phật giáo của triều đình nhà Nguyễn. Sự tồn tại của vũ khúc này cho đến ngày hôm nay đã khẳng định rằng, nó đã có một sức hút khác thường để niềm đam mê của nhiều thế hệ nghệ sĩ vẫn còn nguyên vẹn, cũng như sức thu hút đặc biệt của nó đối với người xem. Tuy nhiên, hiện nay môi trường diễn xướng không còn giữ nguyên như thời phong kiến, cho nên Lục cúng hoa đăng không còn bảo lưu được chức năng nghi lễ của nó. Việc sưu tầm nghiên cứu để đưa vũ khúc này đi đến độ hoàn thiện như ban đầu còn là một việc làm rất khó khăn. Hiện nay, những người làm công tác nghiên cứu đang cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ Nhà hát Truyền Thống Cung Đình (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cố gắng từng bước sưu tầm những tư liệu để bổ sung vào những điểm còn thiếu của vũ khúc Lục cúng hoa đăng đang biểu diễn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
- 1. Tôn Thất Bình (1994), Một số đặc điểm của lễ hội dân gian hiện nay ở Thừa Thiên Huế, Văn hóa Nghệ thuật, Số 3 (117).
- 2. Tôn Thất Bình (2002), Ca múa nhạc cung đình Huế, Tuyển tập Những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tr. 368.
- 3. Tôn Thất Bình, Đoàn Ba Vũ và nghệ thuật múa cung đình Huế. Tạp chí Sông Hương (SH35/01&02-89).
- 4. Trương Trọng Bình, Sân khấu truyền thống Huế, dưới góc nhìn hiện tại, Tạp chí sông Hương, số SH291/5-13.
- 5. Trương Trọng Bình (2013), Sân khấu Huế dưới góc nhìn hiện tại, Tạp chí Sông Hương, SH 291/05 -13.
- 6. Trương Trọng Bình (2014), Về vũ khúc cung đình ”Lục triệt hoa mã đăng”, Tạp chí Sông Hương, SH 300/02 -14.
- 7. Trương Trọng Bình (2016), Tề Thiên Đaị Thánh và Hộ Pháp trong vũ khúc cung đình Đấu chiến thắng Phật, Tạp chí Sông Hương, SH324/02-16.
- 8. Đỗ Bằng Đoàn & Đỗ Trọng Huế (1967), Những Đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb Hoa Lư, Sài Gòn.
- 9. Đỗ Bằng Đoàn & Đỗ Trọng Huế (1994), Việt Nam Ca trù biên khảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
[1] Võ lừa : Chổ cửa tay áo lật lên được may bằ ng vải dày hơn vải áo và màu sắc khác thân áo. Võ lừa cung như manchettes doubles.
[2] Quần giáp : Ngày xưa các tướng võ mặc để che bụng, quần giáp nằm ở dưới thắt lưng may bằng vải ngũ sắc cở rộng như cái váy.